Phát hiện mặt nạ đá cổ bằng đá sa thạch

Một mặt nạ cổ 9.000 năm tuổi được làm bằng đá mới được tìm thấy trên một cánh đồng gần khu định cư Pnei Hever, phía nam Hebron Hills thuộc Khu Bờ Tây Israel.

Mặt nạ có kích thước tương tự mặt người, được làm hoàn toàn bằng đá sa thạch màu hồng và màu vàng, và vô cùng nhẵn nhụi với những chi tiết trên khuôn mặt có sự đối xứng và hoàn thiện, thậm chí còn có chi tiết làm nổi bật xương gò má.

“Đó là một chiếc mặt nạ rất hiếm. Chiếc gần nhất mà chúng ta từng biết đến cách đây 35 năm. Nó được làm rất tự nhiên với xương gò má và một cái mũi hoàn hảo rất ấn tượng, cái miệng với những chiếc răng khác biệt. Chiếc mặt nạ cổ đã bị phai màu. Nguyên bản của nó có thể được sơn màu trắng”, nhà khảo cổ học Ronit Lupu thuộc Cơ quan cổ vật Israel (IAA) đánh giá và cho rằng đây là phát hiện cực hiếm khi chỉ có 15 chiếc tương tự được tìm thấy trên thế giới.

Cùng với 4 lỗ khoan nhỏ trên các cạnh của mặt nạ, các chuyên gia khảo cổ của Israel tin rằng chiếc mặt nạ quý hiếm này không chỉ có mối liên hệ chặt chẽ với sự khởi đầu của xã hội nông nghiệp cổ đại thời đồ đá mới, mà còn có thể được sử dụng trong nghi thức tôn giáo nào đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng cổ vật này xuất hiện trong giai đoạn chuyển đổi xã hội sâu sắc, từ lối sống dựa trên săn bắt, hái lượm sang định cư lâu dài và phát triển nông nghiệp có hệ thống hơn.

Ông Omry Barzilai, người đứng đầu Cục Nghiên cứu khảo cổ học Israel, nói: "Mặt nạ có liên quan đến cuộc cách mạng nông nghiệp. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc xã hội và sự gia tăng trong các hoạt động tôn giáo. Những nghi lễ ở thời kỳ này thường sử dụng các bức tượng nhỏ hình người và mặt nạ bằng đá sa thạch”.

Mặt nạ đã được người nguyên thủy tạo ra nhằm thể hiện niềm thành kính và cả sự tự tin để “tiếp cận” thần linh, ma quỷ hay tổ tiên. Đó là lý do vì sao các mặt nạ thường có biểu thị nhân diện. Và cũng chính vì tín ngưỡng, tôn giáo mà mặt nạ thường có trong các nghi lễ. Vì lẽ đó, đất và đá để làm mặt nạ có lúc bắt buộc phải lấy từ nghĩa địa hay đỉnh núi thiêng.

Chiếc mặt nạ đá cổ bằng đá sa thạch quý hiếm tại khu vực phía nam Hebron Hills chỉ là một trong nhiều mặt nạ khác được các nhà khảo cổ học tìm thấy trong khoảng thời kỳ đồ đá mới.

Những phát hiện đó củng cố niềm tin rằng khu vực này từng là trung tâm chế tác mặt nạ hoặc có thể là trung tâm cho các nghi thức tôn giáo. Hiện mặt nạ cổ bằng đá sa thạch 9.000 năm tuổi được trưng bày tại Bảo tàng Rockefeller ở Jerusalem.

Văn Ưng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-di-thuong/phat-hien-mat-na-da-co-bang-da-sa-thach-525228/