Phát hiện loài vật mới sống trong miệng cá mập

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện một loại động vật giáp xác mới, chưa từng biết đến trước đây, sinh sống hoàn toàn bên trong miệng của những con cá mập.

Theo AFP, miệng của một con cá mập không có vẻ gì là môi trường sinh sống lý tưởng, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loài vật mới, cùng họ với tôm, cư trú trong không gian đặc biệt này.

Những con vật nhỏ bé này thuộc một bộ giáp xác nhỏ, được biết đến với khả năng sống sót khỏe mạnh ở nhiều môi trường, phân bố từ núi cao tới biển sâu.

Mặc dù vậy, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Hiroshima, phó giáo sư Ko Tomikawa cho biết ông vẫn hết sức ngạc nhiên khi phát hiện chúng sinh sống trong miệng của một con vật khác.

"Loài động vật này thường dài từ 3-5 cm, và thật kinh ngạc vì chúng có thể sống trong rất nhiều môi trường khác nhau. Nhưng tôi không nghĩ là chúng tôi lại thấy chúng trong miệng của một con cá mập voi", ông Tomikawa nhận định.

Một con cá mập voi khi mở miệng. Ảnh: New York Times.

Một con cá mập voi khi mở miệng. Ảnh: New York Times.

Loài này được đặt tên là podocerus jinbe - bắt nguồn từ tên gọi của cá mập voi trong tiếng Nhật là jinbe zame.

Các nhà nghiên cứu cho biết loài vật mới được phát hiện có màu nâu, dài khoảng 5 mm và có những cái chân đầy lông để giúp chúng giữ các chất hữu cơ trong nước làm thức ăn.

"Miệng của cá mập voi có lẽ là môi trường phù hợp vì nước biển trong lành (do cá mập phải mở miệng để thở vì vậy nước biển ra vào nơi đây thường xuyên), và đó cũng là nguồn thức ăn cho chúng", ông Tomikawa giải thích về việc tại sao loài vật mới lại sống trong môi trường này.

Mọi chuyện bắt đầu khi một thủy cung ở phía nam tỉnh Okinawa liên lạc với ông Tomikawa vì tò mò không biết loài gì đang sống bên trong miệng của một con cá mập voi ở đó.

Ông Tomikawa cho biết hàng nghìn con podocerus jinbe đã được phát hiện bên trong miệng của con cá mập này.

Sơn Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-hien-loai-vat-moi-song-trong-mieng-ca-map-post1007195.html