Phát hiện loài rùa khổng lồ đã biến mất hơn 110 năm

Một loài rùa được cho là đã tuyệt chủng hơn 110 năm trước vừa được tìm thấy vẫn sống sót khỏe mạnh.

Loài rùa khổng lồ Fernandina (Chelonoidis phantasticus) tại công viên quốc gia Galapagos - Ảnh: Guardian

Loài rùa khổng lồ Fernandina (Chelonoidis phantasticus) tại công viên quốc gia Galapagos - Ảnh: Guardian

Một con rùa còn sống của giống rùa đã không được thấy trong hơn 110 năm qua và bị sợ là đã tuyệt chủng vừa được tìm thấy ở một vùng xa xôi của đảo Fernandina thuộc quần đảo Galápagos.

Con cái trưởng thành của giống Chelonoidis phantasticus, còn được gọi là rùa khổng lồ Fernandina, được phát hiện hôm 17.2 bởi một đoàn thám hiểm của Công viên Quốc gia Galápagos, Bộ Môi trường của Ecuador cho biết.

Các nhà thám hiểm tin rằng có thể còn nhiều con rùa của giống này trên đảo Fernandina vì có nhiều dấu vết cho thấy điều đó. Để bảo tồn, nhóm nghiên cứu đã đưa con rùa, có lẽ hơn 100 tuổi, đến một trung tâm chăn nuôi rùa khổng lồ trên đảo Santa Cruz, nơi nó sẽ được định cư ở một khu vực riêng biệt.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt loài rùa khổng lồ Fernandina vào phân loại là cực kỳ nguy cấp và có thể đã bị tuyệt chủng.

Thành viên duy nhất còn sống của loài này được tìm thấy vào năm 1906, nhóm nghiên cứu cho biết. Hồi năm 2009, nhiều dấu vết trên đảo Fernandina như vết chân, dấu ăn trên thân xương rồng cho thấy có thể những con rùa này vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên phải đến năm nay các nhà khoa học mới tìm thấy được một cá thể của loài này, làm dấy lên hy vọng có thể khôi phục sinh vật trường thọ này.

"Sẽ cần nhiều hơn một con, nhưng con cái có thể lưu trữ tinh trùng trong một thời gian dài", Stuart Pimm, giáo sư sinh thái học bảo tồn tại Đại học Duke cho biết, hy vọng sẽ bảo tồn loài này với chỉ một cá thể duy nhất vừa tìm được.

Fernandina là hòn đảo lớn thứ ba trong quần đảo Galapagos và có núi lửa La Cumbre, một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới. Quần đảo này nằm ở Thái Bình Dương cách khoảng 1.000km khỏi đại lục Ecuador.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ loài rùa này có thể tuyệt chủng vì núi lửa nơi chúng sinh sống hoạt động quá mạnh và chúng có thể bị giết sạch vì dòng chảy nham thạch núi lửa thường xuyên gần như bao phủ hòn đảo này.

Quần đảo Galápagos là nơi có nhiều loài thực vật và động vật hoang dã độc đáo có đặc điểm đã giúp nhà bác học Charles Darwin phát triển thuyết tiến hóa của mình. Nó đã được tuyên bố là một di sản thế giới Unesco vào năm 1979.

Thiên Hà (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/phat-hien-loai-rua-khong-lo-da-bien-mat-hon-110-nam-107525.html