Phát hiện khảo cổ học chấn động

Trong 2 năm sống với người M'Nông Gar ở Tây Nguyên, Georges Condominas đã phát hiện bộ đàn đá tiền sử đầu tiên của loài người, loại nhạc cụ mà GS.TS Trần Văn Khê ca ngợi 'biểu hiện tâm tư hệt như con người'.

Biểu diễn đàn đá.

Thấy tôi mân mê thanh đàn đá, già Y Wan liền lấy chiếc búa nhỏ ra gõ khiến những âm thanh du dương giàu nhạc tính vang lên thánh thót. Già nói mỗi bộ đàn đá được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Với những thanh dài, to và dày thì âm thanh phát ra nghe trầm trầm trong khi các thanh đá ngắn, nhỏ và mỏng thì tiếng rất thanh.

Là nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ dân gian điêu luyện, từng biểu diễn, thi thố ở nhiều tỉnh, thành, ngón đàn của già Y Wan làm say lòng người, nhất là khi già diễn tấu với những thanh đàn đá. “Bộ đàn đá tiền sử đầu tiên của thế giới là do người làng Sar Luk giúp Georges Condominas (Yoo Condo) phát hiện ngay tại vùng đất này đó”, Trưởng thôn Y Siêng hào hứng tiết lộ và giục già Y Wan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xảy ra cách đây gần 70 năm.

Già ngậm tẩu rít một hơi rồi bảo: Yoo Condo uống rượu khá lắm! Ðêm đó, sau khi uống rượu cần với những người già trong làng, Condo lơ mơ ngủ bên bếp lửa nhà sàn ấm áp. Thế nhưng nó bật dậy ngay khi nghe loáng thoáng hai tiếng “Mau prum” (đá Chàm). “Cậu vừa nói gì đấy? Nhắc lại đi!”, Condo hỏi, giọng khẩn khoản. Cậu thanh niên được điều đi sửa con đường Sar Luk - Ðầm Ròn liền kể rành rọt: “Sáng nay, khi chúng tôi phá một ụ đất để nắn lại con đường trước đây bị uốn cong thì nhìn thấy nhiều thanh đá dẹt và dài của người Chàm xưa”.

Condo phỏng đoán “hẳn là nhóm người này đã phát hiện những vật kỳ lạ lắm!”. Sống cùng người M’Nông Gar hơn một năm qua, anh nhận thấy với những cổ vật có nguồn gốc bí ẩn, họ đều coi là của người Chàm xưa. Thế nhưng, với vốn kiến thức dân tộc học của mình, anh biết người Chàm chưa bao giờ đặt chân đến vùng đất này.

Ngay sáng hôm sau, Condo cùng một số người theo cậu thanh niên đến chỗ phát hiện những thanh đá. Ðó là đoạn đường thuộc địa phận của làng Nduk Lieng Krat, cách Sar Luk khoảng 10km. Sau khi săm soi các thanh đá màu xám, Condo đoán có thể do người xưa đã đẽo gọt và xin phép được gửi về Paris (Pháp) nghiên cứu.

Các chuyên gia nhân học, khảo cổ học, nhạc học hàng đầu của Pháp và nhiều nước khác đã tiếp cận, nghiên cứu tỉ mỉ những thanh “đá kêu” này, xác nhận đây là một bộ đàn đá tiền sử đầu tiên được phát hiện trên thế giới, có niên đại khoảng ba nghìn năm, một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Ðúng ra là hai bộ nhưng thiếu mất một thanh, trong đó thanh dài nhất hơn 1m nặng trên 11kg; thanh ngắn nhất 65,5cm nặng gần 6 kg. Georges Condominas đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 - bộ mới) số 97-98 tháng 7 năm 1951. Hiện bộ đàn đá này được trưng bày ở Bảo tàng Con người Paris.

GS.TS Trần Văn Khê sống ở Pháp 50 năm và rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Theo lời kể của giáo sư, qua người thầy của mình, ông đã đến Bảo tàng Con Người và được làm quen với GS Condominas. Ðó cũng là lần đầu tiên ông biết đến một thứ nhạc cụ rất cổ của Việt Nam - đàn đá Tây Nguyên. Tiếp xúc với GS Condominas, ông biết nhiều điều về những thanh đá cổ mà người xưa sử dụng với tư cách là một nhạc cụ. Sau đó, ông và GS Condominas kết nghĩa anh em dẫu hai người sinh cùng một năm (1921-PV).

Cồng chiêng Tây Nguyên.

Già Y Wan nói nhờ có Condo mà dân làng biết những thanh đá xám đó có thể phát ra tiếng nhạc và đã sưu tầm về để hòa âm cùng cồng chiêng và các nhạc cụ khác. Thấy tôi say sưa ngắm các thanh đàn đá, già liền ngỏ ý tặng một thanh cùng chiếc gùi được đan lát công phu với những hoa văn khá đẹp. Tôi chợt nhớ Condominas từng viết: “Người M’Nông Gar không có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Nếu bạn gặp họ, bạn sẽ thấy họ không hề tiếc bạn những chum ché đẹp, rượu ngon...”.

Ngày nay người M’Nông Gar không còn sống tách biệt mà cư trú xen kẽ với người Kinh, K’Ho… Phương thức canh tác du canh du cư đã được thay thế bằng định canh định cư với cây trồng chủ lực là cà phê, do đó họ đã có ý thức tích lũy của cải. Tuy nhiên M’Nông Gar vẫn nổi tiếng là tộc người hiếu khách, thơm thảo…

Già Y Wan thẩm định âm thanh của đàn đá.

Những năm gần đây, mặc dù được địa phương quan tâm xây tặng căn nhà Ðại đoàn kết nhưng vợ chồng già Y Wan vẫn giữ lại cái nhà bếp xưa cũ với nền đất, vách ván, lợp tranh. Già bảo Yoo Condo từng ngồi sưởi ấm bên những bếp lửa và nghe dân làng chơi đàn, đánh chiêng, hát kể sử thi suốt đêm. Nhà nhỏ nhưng sân thì rộng mênh mông. Già Y Wan nói, vào dịp lễ hội sẽ đốt đống lửa thật to. Dân làng tụ tập đánh cồng, gõ chiêng, múa xoan, trai gái hát giao duyên, ăn thịt nướng, uống rượu cần thâu đêm bên ánh lửa bập bùng.

Trong tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở Tây Nguyên, lửa thắp sáng tâm linh của họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí. Ngọn lửa xua tan tăm tối, lửa nuôi tiếng chiêng, còn tiếng chiêng quấn quyện cùng ngọn lửa ấm. Lửa và chiêng, hai thực thể khác nhau nhưng không thể tách rời.

Khoảnh sân này cũng là nơi các già đàm đạo chuyện xưa, chuyện nay, dạy con cháu thổi khèn, gõ chiêng, chơi đàn đá, để văn hóa cổ truyền của người M’Nông Gar không bị mai một. “Ðáng mừng là vẫn còn một số trai gái trong làng thích múa xoan, đánh cồng, chiêng”, già nói, những nếp nhăn trên gương mặt già nua như giãn nở bớt.

(Còn nữa)

Kim Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/phat-hien-khao-co-hoc-chan-dong-1300487.tpo