Phát hiện hơn 72.000 cuốn sách giáo khoa nghi in lậu

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định phát hiện hơn 72.000 sách giáo khoa nghi làm giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại một nhà sách.

Chiều 13-6, đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định gồm Thanh tra Sở TT&TT, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh làm việc với chủ nhà sách Mỹ Huyền (ở 33 Trần Hưng Đạo, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để làm rõ vụ nghi làm giả sách giáo khoa được phát hiện tại nhà sách này.

Lực lượng chức năng kiểm tra nhà sách Mỹ Huyền. Ảnh: CTV

Lực lượng chức năng kiểm tra nhà sách Mỹ Huyền. Ảnh: CTV

Rạng sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong, tạm giữ, đưa 72.602 cuốn sách giáo khoa nghi làm giả đến kho của Sở TT&TT Bình Định chờ xem xét, xử lý theo quy định. Số sách này được đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Định phát hiện tại kho sách của nhà sách Mỹ Huyền khi tiến hành kiểm tra ngày 12-6.

Theo đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định, toàn bộ số sách giáo khoa này có dấu hiệu in lậu, có tem khác với Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Theo nhận định ban đầu các cơ quan chức năng, số sách này làm giả sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, in tại một số cơ sở in trong nước, trong đó có Công ty In Nhân Dân Bình Định.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ sách giáo khoa nghi in lậu. Ảnh: CTV

Làm việc với các cơ quan chức năng, chủ nhà sách là ông Lê Văn Hải (57 tuổi) không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Ông Hải thừa nhận một số sách bán tại nhà sách của ông chưa có hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Lý do là số sách này được ô tô chở đến chào bán tận nhà sách.

Lực lượng chức năng niêm phong, tạm giữ sách giáo khoa nghi in lậu. Ảnh: CTV

Ông Hải cho rằng số sách này giống các loại sách do Công ty Sách- Thiết bị trường học Bình Định cung ứng nhưng giấy in xấu hơn. “Số sách này tôi mua trả tiền tại chỗ vì họ nói không sao và bán rẻ hơn. Tôi có mục đích là mua rẻ, bán rẻ để bà con được nhờ”- ông Hải giải thích việc với đội kiểm tra.

Đưa sách giáo khoa nghi in lậu đến kho, chờ xử lý. Ảnh: CTV

Trao đổi với PLO chiều 13-6, bà Phạm Thị Thu Hương, Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại Đà Nẵng, cho rằng đây là vụ làm giả sách của Nhà xuất bản Giáo Dục có số lượng, quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong cả nước. Hầu hết các đầu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đều bị làm giả. Nhiều đầu sách làm giả rất tinh vi, giống sách thật đến 90%, thậm chí 100%. Do đó, chỉ có những người làm trong lĩnh vực này mới phát hiện được, còn người bình thường rất khó phát hiện, không thể phân biệt được thật giả.

“Chúng tôi đi kiểm tra tại một số tỉnh miền Trung, xác định là có hiện tượng sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục bị làm giả, in lậu. Điều đó, cho thấy sách giáo khoa giả đang lưu thông tại nhiều địa phương trong cả nước chứ không chỉ ở Bình Định. Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nên chưa thể công bố cụ thể”.

Bà Hương thông tin thêm: Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra tận gốc vụ làm giả, in lậu sách giáo khoa tại Bình Định để xác định đơn vị nào tổ chức làm giả, in lậu. Từ đó, xử lý nghiêm minh để ngăn chặn nạn làm giả, in lậu sách giáo khoa.

Cũng theo bà Hương, điều rõ ràng nhất để phân biệt sách thật- sách giả là tem chống giả. Tuy nhiên, điều bất cập là phải gỡ ra mới xác định tem giả hay thật. Người mua sách không thể nhận dạng được vì không thể vào nhà sách gỡ tem chống giả. Cách phân biệt thông thường là sách giả có giấy in mỏng hơn sách thật; chất lượng in, hình ảnh không bằng sách thật.

Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng sách giáo khoa tiếng Anh là dễ phân biệt sách giả- sách thật nhất. Trên thị trường hiện nay, tất cả các sách giáo khoa tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 12 ở khu vực miền Trung đều được dán thẻ sử dụng Iseebooks vào bìa 4.

Đây là phần mềm hỗ trợ dạy - học Iseebooks giúp giáo viên không phụ thuộc không gian - thời gian, dụng cụ, có nhiều thời gian để tổ chức được các trò chơi, các hoạt động dạy học; giúp học sinh thích thú trong học tập, tự tin trong giao tiếp tiếng Anh cùng bạn, cùng thầy - cô thông qua phần mềm thu âm, thực hành nhiều, chủ động trong học tập, tự làm bài tập và tự kiểm tra kết quả làm bài của mình; giúp phụ huynh đồng hành, hướng dẫn cùng các em trong việc học ở nhà, nhận xét giọng điệu khi các em nói, kiểm tra bài làm của các em đúng hay sai…

Nếu mua nhầm sách in lậu, kém chất lượng, thiếu phần mềm hỗ trợ dạy và học thì giáo viên, học sinh, phụ huynh sẽ không có được sự hỗ trợ nhiều tiện ích như trong sách giáo khoa thật. Sách giáo khoa giả được phát hiện tại nhà sách Mỹ Huyền có dán thẻ sử dụng Iseebooks giả nên người sử dụng sách sẽ không sử dụng được tiện ích này.

TẤN LỘC

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/phat-hien-hon-72000-cuon-sach-giao-khoa-nghi-in-lau-839755.html