Phát hiện hóa thạch tê giác trong hang động Phong Nha - Kẻ Bàng

Các nhà khoa học vừa phát hiện 3 mẫu vật hóa thạch của một loài tê giác với niên đại từ 3 đến 5 vạn năm tại một hang động nằm trong hệ đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng.

3 mẫu hóa thạch tê giác được phát hiện trong hang động Ảnh: H.N

3 mẫu hóa thạch tê giác được phát hiện trong hang động Ảnh: H.N

Ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đang lên kế hoạch phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam khảo cổ một hang động gần đồng bào Rục sinh sống, sau khi phát hiện 3 mẫu vật hóa thạch của một loài tê giác có tên Rhinoceros siensis với niên đại từ 3 đến 5 vạn năm.

Đây là một hang động nằm trong hệ đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, có lòng hang rộng 2m, cao 15m và dài 20m. Cuối hang có một vũng nước ngầm phun từ dưới lên.

Mẫu vật thứ nhất và mẫu vật thứ hai là 2 chiếc răng động vật cỡ lớn; mẫu thứ ba là đoạn xương hàm có 4 cái răng và 3 cái lỗ chân răng, phần xương hàm có màu đen. Sau khi tiếp nhận mẫu vật, ông Đinh Huy Trí đã đề nghị Hội Khảo cổ học Việt Nam giám định tên loài và niên đại của các mẫu vật trên.

Hội Khảo cổ học Việt Nam đã giám định và trả lời bằng văn bản, khẳng định cả 3 mẫu vật thu được ở hang động thuộc bản xã Thượng Hóa đều là răng hàm hóa thạch của loài tê giác Rhinoceros siensis (Owen) thuộc họ tê giác Rhinocerotidae và bộ guốc lẻ (Pesissodactyla).

Đây là những vật vô cùng quý giá. Dựa vào độ nặng của hóa thạch, độ cứng của trầm tích, cả 3 hóa thạch này có niên đại cách nay từ 5 đến 3 vạn năm.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/phat-hien-hoa-thach-te-giac-trong-hang-dong-phong-nha-ke-bang-1473128.tpo