Phát hiện hóa thạch ở châu Á có thể 'thay đổi' lịch sử tiến hóa của loài người

Những hóa thạch được tìm thấy ở châu Á trong hơn một thập kỷ qua có thể làm thay đổi toàn bộ lịch sử tiến hóa của loài người.

Hóa thạch tiết lộ lịch sử tiến hóa của loài người

Vào tháng 12/1941, tại Bệnh viện Cao đẳng Y tế Liên minh Bắc Kinh, nhà khảo cổ học Hu Chengzhi cẩn thận gói 2 thùng gỗ với các đồ tạo tác nhân học quý giá nhất thế giới: Peking Man (Người Bắc Kinh) – bao gồm khoảng 200 răng, xương hóa thạch và 6 hộp sọ sau đó được vận chuyển đến Mỹ để giữ an toàn.

Tại thời điểm đó, Người Bắc Kinh vẫn là những hóa thạch lâu đời nhất được biết đến, được cho là thuộc về tổ tiên loài người. Khám phá này phần nào khiến các nhà khảo cổ học phần nào chắc chắn rằng cái nôi của nhân loại đã được tìm thấy. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, mọi sự chú ý đều chuyển dần sang châu Phi. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã tin rằng Homo sapiens (người hiện đại) đã rời Châu Phi khoảng 100.000 năm trước.

Tượng Người Bắc Kinh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Tượng Người Bắc Kinh ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, thập kỷ qua đã chứng kiến những phát hiện hóa thạch mới ở châu Á, khiến “ánh đèn sân khấu” một lần nữa quay lại với phương Đông.

Người Bắc Kinh đầu tiên được tìm thấy vào năm 1923, tại khu vực cách Bắc Kinh gần 50km, với những đặc điểm mũi nhọn và lông mày dày. Lúc đó, chỉ có duy nhất 4 loài người tổ tiên khác đã được phát hiện, bao gồm người Neanderthal ở Đức và Australopithecus africanus ở Nam Phi. Nhà nghiên cứu Davidson Black tin rằng hóa thạch Người Bắc Kinh đại diện cho một loài mới mà ông gọi là Sinanthropus pekinensis.

Trong một thời gian sau đó, tất cả sự chú ý của các nhà khảo cổ học đều tập trung vào Đông Á. Nhưng đến những năm 1950, nhóm nghiên cứu của vợ chồng Louis và Mary Leakey bắt đầu đào bới ở Olduvai Gorge, Tanzania. Đến năm 1959, họ đã phát hiện ra một loài 1,8 triệu năm tuổi gọi là Paranthropus boisei.

Sự khởi đầu này đã dẫn tới một loạt các khám phá đáng chú ý ở Đông Phi, bao gồm các loài Homo sớm nhất - Homo habilis - tại Olduvai. Dấu chân tại Laetoli gần đó, tiết lộ rằng tổ tiên của chúng ta đã có thể đi thẳng đứng cách đây ít nhất 3,7 triệu năm. Và sau đó là phát hiện ra loài "Lucy" nổi tiếng (Australopithecus afarensis), sống cách đây 3,2 triệu năm ở Ethiopia. Người Bắc Kinh và châu Á dường như bị rơi vào quên lãng.

Người Homo sapiens có thể đã rời khỏi châu Phi trước mốc thời gian mà các nhà khoa học công nhận. Ảnh: Getty

Những khám phá tiếp theo đó đã giúp chuẩn hóa mô hình tiến hóa của con người, cho thấy tổ tiên là loài tinh tinh sống cách ngày nay từ 6 đến 10 triệu năm. Homo erectus (Người đứng thẳng) rõ ràng đã có một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Họ đã di cư đến Đông Nam Á từ 1,8 triệu năm trước.

Phát hiện hóa thạch ở châu Á

Vào ngày 11/7 vừa qua, các nhà khoa học đã thông báo rằng những công cụ đá mới được phát hiện cho thấy có một số họ hàng không xác định được của loài người sống ở Trung Quốc từ 2,1 triệu năm trước – lâu hơn 200.000 năm so với kỷ lục trước đó về sự hiện diện của tổ tiên loài người ngoài châu Phi.

Vào năm 1992, các nhà nghiên cứu đã báo cáo việc tìm kiếm một cặp sọ 900.000 năm tuổi ở Yunxian, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Các đặc điểm của hộp sọ trông giống như sự pha trộn giữa Homo erectus và Homo sapiens. Đây là điều kỳ lạ bởi vì về mặt lý thuyết, Homo sapiens đã bị cô lập chặt chẽ ở khu vực châu Phi vào thời điểm đó.

Đến năm 2014, Dali Man (Hóa thạch Đại Lệ) - một hộp sọ 260.000 năm tuổi được phát hiện ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có sự kết hợp tương tự các đặc điểm điển hình của "dạng chuyển tiếp", không thể gán cho bất kỳ loài nào được xác định rõ.

Sau đó, vào năm 2009, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố phát hiện một xương hàm 110.000 năm tuổi ở tỉnh Quảng Tây. Mặc dù tương đối nguyên thủy, hóa thạch này trông khá giống con người hiện đại. Nhóm nghiên cứu đã phân loại nó thuộc loài Homo sapiens, nghĩa là loài người đã xuất hiện ở châu Á sớm hơn 50.000 năm so với dự đoán ban đầu.

Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về sự thực này, cho rằng việc “viết lại nguồn gốc nhân loại” là khá miễn cưỡng. Thậm chí, một số nhà khoa học còn cho rằng hóa thạch còn lại là của một “giống lai” giữa Homo sapiens và một loài đã tuyệt chủng khác.

Giả thuyết mới cho rằng người hiện đại ở châu Phi đã di cư sang châu Á, quan hệ đa dạng để tạo ra những loài người khác nhau. Ảnh: Getty

6 năm sau đó, vào năm 2015, các nhà khảo cổ học tìm thấy 47 răng bên trong một hang động ở Daoxian, tỉnh Hồ Nam, cũng ở miền Nam Trung Quốc. Răng vốn là một trong những hóa thạch tốt nhất để phân biệt loài người tiền sử và rõ ràng, 47 chiếc răng này thuộc về loài người hiện đại. Theo ông Wu Liu tại Viện Cổ sinh vật học về Động vật có xương sống ở Bắc Kinh, những chiếc răng này có niên đại khoảng 80.000 đến 120.000 năm.

Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận: "Con người hiện đại đầu tiên ở miền Nam Trung Quốc xuất hiện cách đây ít nhất 100.000 năm". Trong khi đó, từ trước đến nay, quan điểm truyền thống đều cho rằng con người hiện đại chỉ mới vượt ra khỏi phạm vi châu Phi từ 60.000 năm trước.

Vào tháng 12/2017, ông Petraglia, đồng tác giả nghiên cứu xem xét “quan điểm châu Á” về sự tiến hóa của con người, dựa trên tất cả các bằng chứng thu thập được. "Các nhà nhân chủng học đang tranh cãi gay gắt. Trên cơ sở hóa thạch, khảo cổ học và bằng chứng di truyền, con người bắt đầu ra khỏi châu Phi ít nhất 120.000 năm trước và chia thành nhiều đợt", ông Petraglia nói.

Một trong những minh chứng khác cho nhận xét này là vào năm 2017, một bộ sưu tập hóa thạch ở Ma-rốc đã gợi ý rằng loài người hiện đại có thể xuất hiện từ 300.000 đến 350.000 năm tuổi, nhiều hơn 100.000 năm so với những thông tin từ trước tới nay. Đến đầu năm 2018, người ta tiếp tục phát hiện hóa thạch của nhóm người Homo sapiens sống tại khu vực bây giờ là Israel, tồn tại cách đây ít nhất 177.000 năm.

Ông Wu Xinzhi, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh ủng hộ quan điểm “chủ nghĩa đa khu vực”. Ông tin rằng, những hóa thạch mới nhất được phát hiện ở châu Á cho thấy Homo sapiens không chỉ di cư từ châu Âu sang khu vực phía Đông thế giới duy nhất 1 lần. Quan điểm người hiện đại ở châu Phi bị cô lập trong nhiều năm được thay thế bằng suy đoán họ đã tiếp xúc với những người khác, ở khu vực khác để tạo ra những hình thức con người khác nhau.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/phat-hien-hoa-thach-o-chau-a-co-the-thay-doi-lich-su-tien-hoa-cua-loai-nguoi-a237512.html