Phát hiện hành tinh 'vô chủ' lang thang ​

Một thiên thể có tuổi khoảng 200 triệu năm, được phát hiện ở khoảng cách 20 năm ánh sáng. Vật thể đơn độc này, với tư cách là một hành tinh, bay lang thang trong vũ trụ mà không có ngôi sao chủ.

Thiên thể có ký hiệu là SIMP J01365663+0933473, có khối lượng lớn hơn khối lượng sao Mộc 12,7 lần (sao Mộc là hành tinh khí lớn nhất trong Hệ Mặt trời). Từ trường của nó lớn hơn từ trường sao Mộc 200 lần. Nhiệt độ bề mặt trên hành tinh này là hơn 800 độ C.

Thật sự, vật thể SIMP J01365663+0933473 là gì? Bài báo khoa học công bố trên phụ trương tạp chí Vật lý thiên văn (ApJS) của Hiệp hội Thiên văn Mỹ cho biết, đây là trường hợp đầu tiên đo được từ trường của thiên thể ở ngoài Hệ Mặt trời. Vật thể này được phát hiện nhờ Kính viễn vọng điện tử ở Đài Quan sát thiên văn ở Socorro, bang New Mexico (Mỹ).

Đây là phát hiện được đánh giá là rất khác thường, bởi vật thể nói trên có thể là một hành tinh hoặc một sao lùn nâu (thiên thể giống sao).

“Vật thể này nằm ở ranh giới giữa hành tinh và sao lùn nâu. Nó có một số đặc tính khác thường mà qua đó chúng ta có thể hiểu các quá trình từ trường xảy ra trên các hành tinh cũng như trong các ngôi sao” - bà Melodie Kao, tác giả bài báo về phát hiện vật hiện này, cho biết.

Lúc đầu, ngay sau khi phát hiện vật thể, các nhà khoa học tin rằng nó “già hơn và to hơn”. Tuy nhiên hiện giờ nhận định đó không đúng và chúng ta có thể bắt gặp “một hành tinh lang thang đơn độc”.

Ông Gregg Hallinan, đồng tác giả bài báo về SIMP J01365663+0933473 nhấn mạnh, việc phát hiện vật thể này bằng Kính viễn vọng điện tử chứng tỏ các nhà khoa học lại có thêm một cách phát hiện ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) mới, trong đó có các hành tinh đơn độc, không quay xung quanh ngôi sao chủ.

Theo Tuấn Sơn - Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-hanh-tinh-vo-chu-lang-thang-3945974-b.html