Phát hiện hành tinh khổng lồ ngoài Hệ Mặt Trời nóng nhất từ trước đến nay

Hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời (ngoại hành tinh) mới nhất được khám phá không hoạt động như bất kỳ hành tinh nào mà bạn từng nghe. Khám phá kỳ lạ cách Trái đất 650 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Cygnus.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, KELT-9b là một hành tinh khổng lồ gần gấp đôi kích thước sao Mộc, với nhiệt độ ban ngày nóng hơn hầu hết các ngôi sao và thậm chí nóng hơn tất cả các ngoại hành tinh khác hàng ngàn độ.

Ngoại hành tinh này gần với ngôi sao chủ KELT-9 nên chỉ mất 1 ngày rưỡi để quay quanh, trong khi mất tận 1 năm để Trái đất quay quanh Mặt trời. Khoảng cách siêu gần này không tốt một chút nào.

Sao chủ KELT-9 (trái) và ngoại hành tinh KELT-9b (phải)

So với Mặt trời, ngôi sao này nóng gấp 2 lần, lớn gấp 2,5 lần và quay nhanh hơn 50 lần, nhanh đến nỗi các cực của nó "dẹp lép" còn đường xích đạo thì phồng lên. Điều này làm cho KELT-9 trở thành ngôi sao chủ nóng nhất của một ngoại hành tinh mà chúng ta biết, ông Scott Gaudi, tác giả nghiên cứu, Giáo sư thiên văn học tại Đại học bang Ohio, cho biết.

Nhiệt độ và kích thước sẽ làm cho ngôi sao có màu xanh nhạt trong mắt chúng ta. Nhiệt độ này đặt KELT-9 vào nhóm nóng nhất của ngôi sao loại A và B. Chính vì ngôi sao chủ cực kỳ nóng, sáng và gần này, KELT-9b đang dần bị thổi tung bởi bức xạ tia cực tím và năng lượng cao.

Bức xạ này đang làm cho ngoại hành tinh bay hơi (với tốc độ chưa biết), tạo ra một đám mây chứa khí hydro và heli tĩnh điện xung quanh. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng khi quay, KELT-9b tạo ra một vệt dài giống như sao chổi.

Khi quay quanh sao chủ, KELT-9b tạo ra một vệt dài giống như sao chổi

Hành tinh này dính chặt với ngôi sao của mình, như Mặt trăng luôn chỉ hướng cùng một mặt với Trái đất. Mặt ban ngày của KELT-9b sẽ có màu cam, nóng đến mức các phân tử phức tạp không thể ở cạnh nhau và "chỉ" mát hơn Mặt trời 2.000 độ. Gaudi nói, nếu đổ lên bề mặt, nước sẽ ngay lập tức phân tách thành oxy và hydro.

Mặt ban đêm sẽ có màu đỏ đậm của một ngôi sao lùn đỏ, chủ yếu bởi vì không thể phân phối lại năng lượng một cách hợp lý từ mặt ban ngày.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/phat-hien-hanh-tinh-khong-lo-ngoai-he-mat-troi-nong-nhat-tu-truoc-den-nay-20170606073859369p145c151.news