Phát hiện giếng gỗ lâu đời nhất thế giới

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một giếng nước có niên đại tới 7.000 năm tại Cộng hòa Séc. Đây được cho là giếng cổ nhất thế giới.

Giếng cổ được tìm thấy trong quá trình xây dựng đường cao tốc D35 gần thị trấn Ostrov thuộc huyện Karlovy Vary, vùng Karlovarský, Cộng hòa Séc.

Sau khi phân tích vòng sinh trưởng của các khối gỗ bao quanh giếng, hay còn được gọi là phương pháp dendrochronology, các nhà khảo cổ khẳng định, giếng được xây bằng gỗ sồi và có tuổi đời vào khoảng năm 5.256 trước Công Nguyên (TCN).

 Hình ảnh giếng cổ khi được đưa lên mặt đất.

Hình ảnh giếng cổ khi được đưa lên mặt đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết, giếng có chiều dài 140cm với diện tích 80cm2, là một cấu trúc biệt lập phục vụ các khu định cư gần đó. Những người nông dân cổ đại đã biết cách đục rãnh ở các cột trụ để xếp ván gỗ chèn lên nhau chỉ bằng các dụng cụ làm từ đá, xương, sừng hoặc gỗ.

Cách thức này khiến các nhà khảo cổ khá bất ngờ về kỹ thuật xây dựng tiên tiến của người dân cổ đại khi xử lý bề mặt của các thân cây rất chính xác bằng công cụ thô sơ.

Theo nhà nghiên cứu Karol Bayer đến từ trường Đại học Pardibice, Cộng hòa Séc, di tích giếng cổ còn bảo tồn nguyên vẹn vì được ngâm dưới nước nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách làm khô và bảo tồn giếng mà không phá hủy cấu trúc bằng cách sử dụng đường để củng cố cấu trúc gỗ.

Đây là giếng cổ thứ ba và lâu đời nhất từ Thời đại đồ đá mới (Néolithique) được phát hiện tại Cộng hòa Séc trong 4 năm qua.

MAI HÀ (theo CNN)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/phat-hien-gieng-go-lau-doi-nhat-the-gioi-609478