​Phát hiện di cốt người cổ trong hang động núi lửa Krông Nô(Đắk Nông): Chuyện bây giờ mới tiết lộ...

VH- Giữa năm 2017, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh mời tôi và một số nhà khảo cổ khác tham gia đề tài 'Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô tỉnh Đắk Nông'. Tôi nhận lời ngay vì những câu hỏi ấp ủ trong đầu tôi bấy lâu nay vẫn chưa được giải đáp: Ai là chủ nhân của hàng vạn công cụ đá mà PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử đã khai quật, tìm thấy ở Tây Nguyên suốt trong mấy thập kỷ qua?

Những người cổ thời đại đá mới hay kim khí ở Tây Nguyên có quan hệ thế nào với cư dân bản địa đang sống ở đây?

Trung tuần tháng 2.2018 tôi bay vào Krông Nô và ngay hôm sau được TS La Thế Phúc dẫn ra hang C6’ để xem “chiếc xương chi” của người nằm chồi lên trên một đống đá như lời anh Phúc mô tả. Kể thì giống xương chày của người thật, nhưng khi gỡ ra nhìn đầu xương tôi mới buồn bã thông báo với mọi người: “xương hươu các cậu ạ”. Buồn quá, tôi không ra công trường nữa mà chỉ ở nhà rửa hiện vật.

Hố khai quật

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và ngôi mộ của bé gái 4 tuổi

“Chính xác. Răng người đấy”

Bốn ngày sau, khoảng 10h sáng, trong khi dùng chiếc bàn chải đánh răng để rửa các công cụ đá, xương động vật, vỏ trai ốc của lớp 3-1, ô C2, mắt tôi sáng lên khi phát hiện một chiếc răng khôn hàm trên bên phải của người. Tôi khẳng định, mặt nhai của răng về hình thái và kích thước đúng của người rồi nhưng sao lại có tới 4 chân răng. Vừa mừng nhưng lại vừa lo, tôi chụp ảnh và ngay trưa hôm đó gửi email cho GS.TS Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và bạn tôi GS.TS Hoàng Tử Hùng ở TP.HCM. 17h chiều cùng ngày, tôi nhận được thư trả lời của cả 2 người: “Chính xác. Răng người đấy”. Thế là dấu vết đầu tiên của con người đã xuất lộ, bõ công tôi tìm kiếm suốt 54 năm trong nghề. Tối đó, trưởng đoàn khai quật TS Lê Xuân Hưng quyết định thịt một con gà và một thùng bia để liên hoan.

Ngày 22.3.2018, khi đào ở vách tây của hang C6-1 tại lớp 4-6, ô C2 chúng tôi lại phát hiện ra các đoạn xương đùi và xương chày của một cá thể trưởng thành và ký hiệu là 18.C6-1.C2.L4.6. M1. Xương nằm ở vách của hang nên chúng tôi quyết định không làm tiếp để dành lại năm sau sẽ mở rộng hố, lúc đó khả năng rất lớn là sẽ tìm được hộp sọ và cả bộ xương nguyên vẹn. Niên đại của ngôi mộ, ít lâu sau được các nhà khoa học Nga và Mỹ xác định bằng phương pháp cácbon phóng xạ là 6.686 năm cách ngày nay. Tối hôm đó Đoàn khai quật lại mổ 2 con gà và một thùng bia. Thế là chắc chắn 100% đã có di cốt người trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên.

Sáng hôm sau, tôi bay ra Bảo tàng Quảng Nam để nghiên cứu tiếp di cốt người của di chỉ khảo cổ học Bàu Dũ mà chúng tôi và các nhà khoa học Nhật, Úc đã khai quật năm 2017. Vừa được 2 ngày thì em Thảo - một thành viên trong đoàn báo tin vui cho tôi: “Thầy ơi! Lại phát hiện được một bộ xương trẻ em ở trong hố khai quật rồi”. Tôi lập tức mua vé máy bay để quay về Krông Nô.

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và sọ bé gái 4 tuổi đã được phục nguyên

Phát hiện có tính đột phá của ngành cổ nhân học

Tới cửa hang C6-1, tôi lần từng bước dọc theo chiếc thang gỗ dựng thẳng đứng do anh em tự tạo để xuống hang. Bộ xương đã lộ dần cả phần sau của hộp sọ, mặt úp sấp, các xương cánh tay, trụ, quay, đùi và xương chày dựng đứng. Tôi trực tiếp làm rõ dần bộ xương và kết luận bộ xương được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Ngày hôm sau 28.3, tôi làm lộ dần xương hàm dưới và những chiếc răng sữa. Tôi nói với anh em trong đoàn đây là bộ xương của 1 em bé gái 4 tuổi. Niên đại của nó là 6768 năm cách ngày nay. Đang định làm rõ cả phần dưới bộ xương thì con trai tôi ở Hà Nội báo tin: “Bố ơi! Bà ngoại mất đêm qua rồi…”. Thế là tôi lại phải bay ra Hà Nội ngay sáng hôm sau và dặn lại TS. Lê Xuân Hưng và CN Phan Thanh Toàn: “Các cậu bó thạch cao bộ xương rồi gửi ra Hà Nội để mình phục dựng tiếp. Nhớ đừng để sót một mẩu xương nào”.

Chỉ mấy ngày sau đó, các nhà khảo cổ lại phát hiện ra ngôi mộ thứ 3 - ký hiệu 18.C6-1.C2. L4.9.M3, được chôn trong lớp đất màu xám trắng, kết cấu đất mịn và thuần. M3 phân bố sát vách Nam, hiện trạng của mộ được xử lý bước đầu, làm lộ rõ một phần xương chi và một số xương sườn; các xương xếp chồng lên nhau, phần thân và các bộ phận khác nằm trong vách Nam hố khai quật chưa xử lý. Niên đại là 6.672 năm cách ngày nay.

Ngày 18.9.2018, Viện Bảo tàng Thiên nhiên đã tổ chức họp báo để công bố kết quả bước đầu. Khoảng 20 phóng viên báo, đài đã tới dự. Một nhà báo hỏi tôi: “Ông có cho rằng đây là phát hiện có tính đột phá của ngành cổ nhân học hay không?”. Tôi trả lời đúng vậy. Trước đó, tôi đã gửi thư hỏi ý kiến các Giáo sư: J.H. Schwartz (Mỹ), Xie Guang Mao (Trung Quốc), H. Matsumura (Nhật), M.F. Oxenham (Úc) và S. Truman (In donesia) họ đều trả lời: Chưa thấy có người cổ sống trong hang núi đá lửa. Gần đây, tôi mới có thông tin rằng ở Hàn Quốc có tìm thấy di cốt người trong hang núi lửa? Dù họ có chăng nữa thì phát hiện lần này của giới khoa học Việt Nam vẫn đáng được tự hào và trân trọng…

Hai tuần sau TS. La Thế Phúc để lại hết mọi thứ ở công trường, chỉ xách chiếc va li có bộ xương bó thạch cao nặng tới hơn 20kg bay về Hà Nội. Họa sĩ Đào Ngọc Hân đã đổ khuôn từ bộ xương thật thành 4 bộ xương bằng composit để sau này phục vụ cho công tác trưng bày và đặt tại hang C6-1. Tôi tháo dỡ từng phần của hộp sọ và các phần xương khác. Xương mảnh và dễ vỡ nên chúng tôi phải tiến hành rất cẩn thận. Thân nhiều đoạn xương đùi, chày cánh tay, cẳng tay chỉ bé như chiếc đũa. Các đốt ngón tay, ngón chân nhỏ li ti như hạt đậu đen. Hộp sọ bị vỡ thành khoảng 100 mảnh.

Sau hơn 2 tháng, tôi mới phục nguyên thành công được hộp sọ. Mặc dầu bị đất nén, hộp sọ hơi vẹo sang phía phải, nhưng còn khá nguyên vẹn. Nền sọ bị tiêu mất, kể cả phần xương thái dương phải, nhưng còn giữ lại được hầu hết tất cả các xương, kể cả xương hàm dưới. Tôi bắt đầu đo đạc và tính toán các chỉ số.

Nhìn phía trước, mặt trên thuộc loại thấp. Mũi thuộc loại quá rộng. Nhìn phía bên, mặt thẳng không vẩu và sọ khá cao. Còn giữ lại ở hàm trên 9 răng sữa, hàm dưới 8 răng sữa. Bờ trên hốc mắt sắc cạnh, mỏm chũm nhỏ xíu, nên có nhiều khả năng đây là di cốt của một bé nữ.

Vì là sọ trẻ em, các đặc điểm về chủng tộc không thể hiện rõ, nên chưa thể có kết luận chuẩn xác. Tuy nhiên cũng thấy được một vài yếu tố như mũi quá rộng, răng hàm có kích thước lớn... Điều đáng chú ý đặc biệt là mặc dù đây là sọ trẻ em mới 4 tuổi, nhưng răng cửa sữa mòn vẹt, hiện tượng này chỉ có thể giải thích bằng nguồn thức ăn chủ yếu là trai, ốc, hến khiến các em nhỏ này cũng sớm bị mòn răng.

Như vậy, tính đến năm 2018, ở hang C6-1 đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người và ít nhất trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.

PGS.TS. NGUYỄN LÂN CƯỜNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/phat-hien-di-cot-nguoi-co-trong-hang-dong-nui-lua-krong-nodak-nong160chuyen-bay-gio-moi-tiet-lo