Phát hiện cung điện nguy nga của 'truyền nhân' Thành Cát Tư Hãn

Một khu tàn tích với những viên ngói khắc ký hiệu đặc biệt khiến các chuyên gia cho rằng đây có thể là cung điện của Húc Liệt Ngột - cháu trai Thành Cát Tư Hãn.

Một nhóm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ cho biết, họ có thể đã phát hiện tàn tích của một cung điện lộng lẫy từng được xây dựng cho Húc Liệt Ngột, cháu trai Thành Cát Tư Hãn, ở tỉnh Van, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Một nhóm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ - Mông Cổ cho biết, họ có thể đã phát hiện tàn tích của một cung điện lộng lẫy từng được xây dựng cho Húc Liệt Ngột, cháu trai Thành Cát Tư Hãn, ở tỉnh Van, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Húc Liệt Ngột (1217 - 1265) là một Hãn vương của Mông Cổ. Ông từng lãnh đạo các chiến dịch quân sự ở Trung Đông và nổi tiếng với vụ đánh chiếm Baghdad năm 1258, khiến phần lớn thành phố bị phá hủy, và vụ hành quyết thủ lĩnh Baghdad, Caliph Al-Musta'sim Billah.

Sự thống nhất của đế quốc Mông Cổ đã chấm dứt vào năm 1259, sau cái chết của Mông Kha, một người cháu khác của Thành Cát Tư Hãn.

Một đế quốc Mông Cổ nhỏ hơn do Húc Liệt Ngột lãnh đạo khi đó gọi là "Ilkhanate" hình thành ở Trung Đông. Ilkhanate cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sụp đổ đầu thế kỷ 14, những tàn tích cuối cùng bị phá hủy vào năm 1357.

Các ghi chép lịch sử có đề cập đến một cung điện trong vùng nhưng không cho biết vị trí chính xác. Các chuyên gia đang khai quật một cung điện được cho là của Khúc Liệt Ngột, nhưng có vẻ nơi này từng bị cướp trộm khá nhiều.

"Tàn tích khu cung điện của Húc Liệt Ngột giờ đã hư hại hoàn toàn", nhà khảo cổ Munkhtulga Rinchinkhorol tại Viện hàn lâm Khoa học Mông Cổ, thành viên nhóm khai quật, cho biết.

Tại đây, nhóm nghiên cứu tìm thấy các phần còn lại của mái ngói tráng men, gạch, đồ gốm sứ tráng men ba màu. Một phát hiện quan trọng là những viên ngói có các ký hiệu giống như biểu tượng s', hay họa tiết svastika - một trong những biểu tượng quyền lực của các Hãn ở Mông Cổ, theo Rinchinkhorol.

Nhiều kiểu họa tiết svastika khác nhau đã được sử dụng trong thời cổ đại và trung cổ. Những viên ngói với biểu tượng này là lý do quan trọng khiến các nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm thấy một cung điện thuộc về Húc Liệt Ngột.

Các hiện vật kết hợp với ghi chép lịch sử về sự hiện diện của người Mông Cổ khiến họ nghĩ cung điện tồn tại từ thời Ilkhanate.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học không tham gia chuyến khai quật khuyến cáo nên thận trọng và cần nghiên cứu kỹ trước khi khẳng định tàn tích ở tỉnh Van thuộc về Húc Liệt Ngột.

"Có thể đó là cung điện của Húc Liệt Ngột", Timothy May, giáo sư tại Đại học Bắc Georgia, nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng cần thêm thông tin trước khi kết luận chắc chắn. "Phát hiện mới rất thú vị nhưng vẫn cần thêm thông tin để xác minh", Michael Hope, chuyên gia tại Đại học Yonsei, đồng tình với quan điểm này.

Lê Trang (theo Live Science)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-cung-dien-nguy-nga-cua-truyen-nhan-thanh-cat-tu-han-1728765.html