Phát hiện công trình kiến trúc lớn và lâu đời nhất của nền văn minh Maya cổ đại

Bằng cách sử dụng phương pháp viễn thám, các nhà nghiên cứu đã phát hiện công trình kiến trúc lớn nhất và lâu đời nhất của nền văn minh Maya cổ đại. Đó là một bục đất nền cao khổng lồ hình chữ nhật được xây dựng từ năm 1.000 đến năm 800 trước công nguyên.

Nằm tại khu vực Aguada Fenix, gần biên giới Guatemala, kiến trúc này rộng gần một phần tư dặm (400m), dài chín phần mười dặm (1.400m) và cao từ 33 feet đến 50 feet (10m đến 15m). Khối lượng của nó còn lớn hơn khối lượng của kim tự tháp Giza cổ đại ở Ai Cập.

Không giống như kim tự tháp Tikal (Guatemala) hay kim tự tháp Palenque (Mexico) được xây dựng khoảng 1.500 năm sau đó, phát hiện này được xây dựng bằng đất sét thay vì bằng đá và rất có thể được sử dụng cho các nghi lễ lớn, Reuters đưa tin.

 Công trình kiến trúc lớn và lâu đời nhất của nền văn minh Maya cổ đại, được xây dựng từ năm 1.000 đến năm 800 trước công nguyên. Ảnh: Reuters

Công trình kiến trúc lớn và lâu đời nhất của nền văn minh Maya cổ đại, được xây dựng từ năm 1.000 đến năm 800 trước công nguyên. Ảnh: Reuters

“Nếu bạn đi trên nó, bạn sẽ không thể nhận ra bởi công trình kiến trúc rất rộng lớn và được cây cối bao phủ. Thông qua Lidar (có chức năng vẽ bản đồ địa hình từ trên không và tạo thông tin ba chiều của các bề mặt), mọi cấu trúc của nó sẽ được thể hiện rõ ràng.” – nhà khảo cổ học Đại học Arizona, Takeshi Inomata, người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho hay.

Các nhà nghiên cứu cho biết ở giai đoạn đầu nền văn minh Maya mang tính cộng đồng nhiều hơn bởi không có dấu hiệu của các tác phẩm điêu khắc mô tả những người có địa vị cao. Nhưng không lâu sau đó, xã hội của người Maya lại có sự phân chia giai cấp rõ ràng.

Thùy Dương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/phat-hien-cong-trinh-kien-truc-lon-va-lau-doi-nhat-cua-nen-van-minh-maya-co-dai-89354.html