Phát hiện chó nhiễm đậu mùa khỉ, chuyên gia chỉ cách ứng phó

Mới đây, một con chó mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện khiến cộng đồng khoa học lo ngại.

Loài chó hay thú cưng nói chung khó lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Loài chó hay thú cưng nói chung khó lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Trước thông tin phát hiện chó nhiễm đậu mùa khỉ, các chuyên gia cho rằng, khi dịch bệnh lây lan sang loài vật sẽ khiến việc phòng trừ trở nên vô cùng khó khăn.

Từ người lây sang vật nuôi

Một con chó săn xám Italy 4 tuổi ở Paris (Pháp) được cho là thú cưng đầu tiên bị nhiễm virus đậu mùa khỉ. Con vật bùng phát mụn nước đáng ngờ 12 ngày sau khi chủ của nó phát triển các vết thương đầy mủ. Các xét nghiệm xác nhận một chủng bệnh đậu mùa khỉ đã lây nhiễm cho một trong hai người đàn ông và con chó của họ.

Colin Parrish, Giáo sư Khoa Virus thú y tại Đại học Cornell, người nghiên cứu các loại virus mới xuất hiện trên chó, cho biết, với sự gần gũi giữa người và thú cưng, đây là điều không quá bất ngờ.

Mặc dù con chó đã bình phục, nhưng trường hợp này đã khiến những người nuôi thú cưng lo ngại, liệu họ có bị nhiễm virus từ chó hay mèo của mình, hoặc thú cưng của họ có thể gặp nguy hiểm vì dịch bệnh hay không.

Nhà khoa học Jeff Doty, trưởng nhóm One Health về phản ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, nhìn chung, có rất ít thông tin về bệnh đậu mùa khỉ ở những động vật bầu bạn với ta như chó và mèo.

Về trường hợp con chó săn xám kể trên, nghiên cứu không cho biết rõ về các triệu chứng của nó hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh tật, nhưng CDC đã tổng hợp một danh sách các triệu chứng mà nó có thể gặp phải như: Thờ ơ, bỏ ăn, ho, chảy nước mũi hoặc mắt và phát ban phồng rộp.

Không rõ liệu những con chó nhiễm virus này có thể lây bệnh cho những con chó khác hoặc động vật hoang dã, hay truyền lại cho con người hay không. Doty nói rằng, điều đó phụ thuộc vào lượng virus mà chúng phát tán.

Mặc dù, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một số loài động vật, chẳng hạn như cầy thảo nguyên, dường như có thể lây bệnh đậu mùa khỉ qua chất tiết ở mũi và phân, nhưng họ không biết điều này có xảy ra với loài chó hay không.

Ông Parrish lưu ý, theo lý thuyết, nếu bạn tiếp xúc gần với một con chó có vết thương, bạn có thể bị lây nhiễm virus, nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn là tiếp xúc giữa người với người.

Cảnh giác và bình tĩnh

Đậu mùa khỉ được đặt tên vào năm 1958.

Bệnh đậu mùa khỉ đã được WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế vào tháng 7/2022. Hiện có hàng chục nghìn ca bệnh trên 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Căn bệnh này được đặt tên vào năm 1958 sau khi được phát hiện ở những con khỉ nuôi nhốt để nghiên cứu ở Đan Mạch. Trường hợp đầu tiên ở người được chẩn đoán vào năm 1970, mười hai năm sau khi bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành của Chương trình Cấp cứu sức khỏe tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một cuộc họp báo mới đây rằng mặc dù số ca bệnh tiếp tục tăng, nhưng dân số nói chung ít có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Loài vật và thú cưng không phải là mối nguy cơ đối với con người vào lúc này. Trên thực tế, khả năng nhiễm bệnh của con người cao hơn với loài vật.

Các cơ quan y tế công cộng nhấn mạnh, những người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên tránh tiếp xúc với thú cưng, vật nuôi, động vật nuôi nhốt và động vật hoang dã.

Nếu vật nuôi chưa bị phơi nhiễm, CDC đề nghị chủ sở hữu khi đã có triệu chứng nhiễm đậu mùa khỉ nên giao chúng cho các thành viên trong gia đình hoặc những người chăm sóc khác, cho đến khi họ hồi phục và khử trùng nhà trước khi nhận vật nuôi trở về. Nếu không thể, cơ quan này khuyến nghị nên cách ly những con vật trong 21 ngày.

Theo Giáo sư Parrish, cảnh giác là cần thiết. “Có những loại vắc-xin hiệu quả dành cho người và chúng ta đang cố gắng kiểm soát và loại trừ virus khỏi con người càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, hiện không có vắc-xin được cấp phép cho chó hoặc mèo”, ông nói.

Mặc dù nguy cơ về đậu mùa khỉ đối với chó và mèo dường như thấp, nhưng có rất ít thông tin về loài động vật nào dễ mắc bệnh. Sóc, khỉ, vượn lớn và một số loại chuột cống cũng như nhím, chuột chù, sóc Sinsin và các động vật có vú nhỏ khác có thể bị nhiễm bệnh, còn với mèo, chuột nhảy, thỏ, chuột đồng, gấu trúc, chồn hôi và các loài khác thì vẫn chưa rõ.

Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, những con chuột đô thị phổ biến thuộc giống Rattus quấy phá các thành phố trên thế giới dường như phát triển khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa khỉ chỉ vài ngày sau khi sinh.

Đáng lo ngại là bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào quần thể thú nuôi của Mỹ. Năm 2003, gần 800 động vật nhỏ có vú được nhập khẩu từ Ghana đến Texas đã mang bệnh đậu mùa khỉ đến Mỹ. Chó đồng cỏ nhốt chung đã lây virus cho nhau và sau đó lây sang 47 người mua và sờ mó chúng, bị chúng cắn hoặc đơn giản là ở chung phòng với chúng.

Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở người ngày càng gia tăng đã đặt các quan chức y tế công cộng vào tình trạng cảnh giác cao độ. Andrea McCollum, nhà dịch tễ học thuộc bộ phận Ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ năm 2022 của CDC, cho biết sự lan truyền từ con người sang động vật có thể tạo ra các nguồn lây đặc hữu và các chuỗi lây truyền hoàn toàn mới. Điều này khiến bệnh đậu mùa khỉ gần như khó diệt trừ.

Theo Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về bệnh đậu khỉ, việc thích nghi với vật chủ mới cho phép virus tiến hóa, với khả năng nó sẽ phát triển và biến đổi khác nhau. Điều đó có nghĩa là nó có thể trở nên dễ lây lan hơn hoặc ít hơn, yếu hơn - hoặc độc hại hơn.

Tuy nhiên, nhà khoa học Colin Parrish trấn an: “Đừng phản ứng thái quá. Đừng hoảng loạn. Nguy cơ là rất thấp. Với hàng chục nghìn ca nhiễm trùng ở người, nếu loài chó dễ bị lây nhiễm, thì giờ đây chúng ta đã có rất nhiều trường hợp, chứ không phải một”.

Theo Nationalgeographic

Thiên Lý

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-hien-cho-nhiem-dau-mua-khi-chuyen-gia-chi-cach-ung-pho-post608477.html