Phát hiện chấn động về điểm sáng trắng bí ẩn trên hành tinh lùn Ceres

Trong nỗ lực không ngừng tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, nước luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học. Thật bất ngờ, các nghiên cứu mới được công bố hôm 10/8 củng cố bằng chứng rằng, từng có một đại dương ngầm bên dưới bề mặt tiểu hành tinh Ceres.

Nghiên cứu này là một phần của 7 nghiên cứu về Ceres, sử dụng dữ liệu từ tàu vũ trụ robot Dawn của NASA được phóng vào năm 2007, cùng được công bố trên nhiều tạp chí khoa học, hôm thứ Hai, 10/8, theo NBC News.

Hai trong số các nghiên cứu chỉ ra rằng, điểm sáng tương phản bên trong miệng núi lửa Occator trên tiểu hành Ceres là muối, kết quả của việc nước mặn thấm ra từ các vết đứt gãy trong lớp vỏ đá. Điều đó cho thấy bên dưới lớp vỏ của Ceres có thể có một đại dương ngầm.

“Hoạt động đang diễn ra ở miệng núi lửa Occator mang lại bằng chứng bổ sung và độc lập chứng tỏ nguồn nước muối tồn tại dưới lớp vỏ bề mặt hành tinh và đưa Ceres gia nhập thế giới đại dương.”, nhà khoa học sứ mệnh Bình minh Julie Castillo-Rogez thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tại Pasadena, California, Hoa Kỳ, cho biết .

Hành tinh lùn Ceres. Ảnh: NASA/Reuters.

Hành tinh lùn Ceres. Ảnh: NASA/Reuters.

Tương quan kích thước của Ceres với Trái đất và Mặt trăng. Ảnh: Wikipedia.

Ceres là hành tinh lùn nhỏ nhất được biết trong Hệ Mặt trời và là hành tinh lùn duy nhất trong vành đai tiểu hành tinh chính ở khoảng giữa Sao Mọc và Sao Hỏa, được nhà thiên văn học người Ý Giuseppe Piazzi phát hiện ngày 1/1/1801 và được đặt tên theo nữ thần Hy Lạp Ceres.

Ceres có đường kính khoảng 950 km, cách Trái đất khoảng 200 triệu dặm (321,8 triệu km), là vật thể lớn nhất và nặng nhất trong vành đai chính, chiếm 32% tổng khối lượng vành đai này. Các quan sát gần đây xác định được nó có dạng hình cầu, không giống như hình dạng bất định của các vật thể nhỏ hơn với lực hấp dẫn yếu hơn.

Ceres là vật thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc và có lực hấp dẫn riêng. Ảnh: AFP.

Điểm sáng trắng bên trong miệng núi lửa Occator trên Ceres có thể quan sát rõ. Ảnh: NASA/extremetech.

Một nghiên cứu khác do nhà khoa học hành tinh Maria Cristina De Sanctis thuộc Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia Rome, Ý, dẫn đầu, đã xác định, điểm sáng ở miệng núi lửa Occator 20 triệu năm tuổi chứa một dạng natri clorua (muối ăn), liên kết hóa học với các phân tử nước.

Theo De Sanctis, dạng hóa chất đó nhanh khô đi, khiến các nhà khoa học kết luận, nó là sản phẩm của hoạt động địa chất gần đây trên Ceres.

Sử dụng hình ảnh hồng ngoại, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra sự hiện diện của hợp chất hydrohalit - một vật chất phổ biến trong băng biển nhưng cho đến nay chưa bao giờ được quan sát thấy ngoài Trái đất.

Cận cảnh miệng núi lửa Occator rộng 80 km trên hành tinh lùn Ceres. Ảnh: NASA/Reuters.

Điểm tích tụ muối khổng lồ bên trong miệng núi lửa Occator. Ảnh: LAMO/Wikipedia.

“Bây giờ chúng ta có thể nói rằng Ceres là một loại thế giới đại dương, cũng như một số mặt trăng của Sao Thổ và Sao Mộc.”, Sanctis nói với AFP.

Nhóm nghiên cứu cho biết các mỏ muối trông giống như đã được tích tụ trong vòng hai triệu năm qua, cái chớp mắt trong thời gian của vũ trụ.

Điều này cho thấy nước muối, khoáng chất cần thiết cho sự xuất hiện của sự sống, vẫn có thể thoát lên từ bên trong hành tinh, điều mà De Sanctis nói có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về mặt sinh học thiên văn trong các nghiên cứu trong tương lai.

Dáu vết núi lửa băng trên bề mặt hành tinh lùn Ceres. Ảnh: NASA/Reuters.

Cấu trúc hành tinh lùn Ceres với lớp băng nước màu xanh bên dưới bề mặt hành tinh. Nguồn: Wikipedia.

Một nghiên cứu khác giải thích một số điểm sáng khác trên Ceres là bằng chứng về cryovolcanoes (núi lửa băng) cho phép nước mặn đóng băng từ các hồ chứa trong lớp vỏ thấm lên bề mặt.

Tổng hợp lại, các nghiên cứu cho thấy Ceres là một thế giới hoạt động, mặc dù nó rất lạnh, với nhiệt độ khoảng âm 100 độ F (-73℃) dưới ánh sáng mặt trời.

Các hồ chứa nước bị chôn vùi, mặn hơn 8 lần so với các đại dương trên Trái đất, được cho là nằm sâu 25 dặm bên dưới lớp vỏ và có nhiệt độ khoảng - 31 độ F (- 35℃).

Với những bí ẩn thú vị của Ceres, các nhà khoa học đang thúc đẩy một tàu thăm dò thứ hai để thám hiểm tiểu hành tinh này.

Huy Anh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/phat-hien-chan-dong-ve-diem-sang-trang-bi-an-tren-hanh-tinh-lun-ceres-92690.html