Phát hiện cây pơ mu gần 1.000 năm tuổi

Cây pơ mu gần 1.000 năm tuổi được phát hiện ở Vườn quốc gia Vũ Quang có đường kính đoạn gốc lên đến 2,2 m, chiều cao gần 30 m.

 Phần gốc của cây pơ mu ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Báo SGGP

Phần gốc của cây pơ mu ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Ảnh: Báo SGGP

Ông Nguyễn Danh Kỳ, Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, vừa tìm thấy một quần thể pơ mu mới, trong đó có cá thể lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 800-1.000 năm tuổi.

Theo đó, trong đợt thực địa, nghiên cứu tại độ cao 1.445 m, thuộc tiểu khu 203 (gần biên giới Việt-Lào) gần đây, nhóm nghiên cứu của Vườn quốc gia Vũ Quang đã phát hiện một cây pơ mu có kích thước rất lớn, với đường kính đoạn gốc lên đến 2,2 m, chiều cao gần 30 m.

Sau khi phát hiện, đơn vị đã mời chuyên gia về khoan vòng năm để nghiên cứu. Bước đầu, các chuyên gia nhận định, cây pơ mu này có niên đại khoảng 800-1.000 năm. Hiện nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đang phối hợp với nhóm nghiên cứu nói trên để phân tích, cho kết quả cụ thể.

Ngoài cây lớn nhất này, quần thể pơ mu vừa phát hiện tại tiểu khu 203 phân bố với mật độ dày và có một số cây rất nhiều năm tuổi.

Pơ mu là loài khó tái sinh, nhưng ở khu vực vừa mới phát hiện có rất nhiều cây non. Vùng này quanh năm sương mù bao phủ, ẩm ướt, nhiệt độ về đêm chỉ 9-10 độ C, nên mức độ tái sinh của loài này ở khu vực này rất cao. Đây được xem là tín hiệu rất tốt cho công tác bảo tồn và phát triển của loài pơ mu tại Vườn quốc gia Vũ Quang.

Việc tiếp cận được quần thể pơ mu này là hết sức khó khăn, do tại khu vực có địa hình rất dốc và hiểm trở. Nếu thuộc đường và đảm bảo sức khỏe phải mất 2 ngày di chuyển liên tục bằng đường bộ mới tiếp cận được.

Quần thể pơ mu mới được phát hiện tại Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Ngoài ra, trong cùng khu vực phân bố, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận các loài thực vật ưu thế mọc chung với pơ mu, bao gồm: Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana), bạch tùng (Dacrycarpus imbricatus), hồng tùng (Dacrydium elatum), thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius), các loài đỗ quyên (Rhododendron sp) và côm (Elaeocarpus sp)...

Đầu năm nay, tại Vườn quốc gia Vũ Quang, các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam cũng đã phát hiện thêm một loài thực vật chưa từng được mô tả từ trước đó.

Đây là loài thuộc họ dẻ, đặt tên theo khu vực được tìm thấy “Dẻ Vũ Quang” - Lithocarpus vuquangensis. Dẻ Vũ Quang có đặc điểm cây gỗ cao đến 20 m, cành non không lông, hơi vàng khi tươi và trở nên hơi nâu đỏ khi khô. Lá có phiến hình elip hẹp hoặc mũi mác. Chùm quả thẳng, hóa gỗ, dài tới 7 cm…

Pơ mu có tên khoa học Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry & H. H.Thomas là loài thực vật thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae); là loài thực vật quý hiếm có giá trị về mặt sử dụng cũng như bảo tồn.

Tại Việt Nam loài này nằm trong danh lục thuộc nhóm 2A là nhóm “hạn chế khai thác và sử dụng” thuộc Nghị định số 32 ngày 30/3/2006 của Chính phủ về "Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm".

Sách đỏ Việt Nam 2007 xếp loài này ở mức độ bảo tồn rất cao EN là nhóm các loài “nguy cấp”.

Danh lục sách đỏ quốc tế IUCN xếp loài ở mức độ bảo tồn LR…

TB

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-giao/phat-hien-cay-po-mu-gan-1000-nam-tuoi/335979.vgp