Phát hiện cấu trúc gỗ lâu đời nhất thế giới

Một vật thể thời cổ đại, trông giống cái hòm, có thể là cấu trúc gỗ lâu đời nhất thế giới. Đây là một phần của cái giếng cổ, được phát hiện ở gần thị trấn Ostrov (CH Séc).

Vật thể giống cái hòm này rất đặc biệt. Trên cơ sở nghiên cứu tuổi thọ của cây, các nhà khoa học thấy rằng cây sồi, được sử dụng để chế tác vật thể nói trên, đã bị đốn hạ khoảng 7.275 năm trước. Theo các nhà khoa học, đây là cấu trúc bằng gỗ lâu đời nhất thế giới.

“Dựa trên các chi tiết trong dữ liệu nghiên cứu tuổi thọ cây, chúng tôi có thể nói rằng cây gỗ dùng để chế tác vật thể trong giếng cổ ở Ostrov, đã bị đốn hạ trong khoảng thời gian từ năm 5255 đến 5256 trước Công nguyên. Các vòng gỗ (vòng sinh trưởng) của cây đã giúp chúng tôi xác định khi nào thì cây bị chặt hạ” – ông Jaroslav Peska ở Trung tâm Khảo cổ học Olomuniec, CH Séc, cho biết như vậy.

Di vật nói trên được phát hiện vào năm 2018, tuy nhiên đến bây giờ người ta mới xác định được niên đại của nó. Các mảnh gốm sứ tìm thấy trong giếng cổ được xác định là xuất hiện trong thời kỳ đồ đá mới; tuy nhiên các nhà nghiên cứu không tìm thấy chứng cớ về khu định cư ở lân cận.

Cái giếng cổ đại gồm 4 cọc gỗ sồi với các tấm ván quây xung quanh. Giếng có kích thước 80x80 cm và sâu 140 cm. Những tấm ván được dùng để xây giếng có xuất thân từ cây sồi, được chặt hạ từ 7.275 năm trước. Gỗ trong giếng được bảo tồn rất tốt, khiến các nhà khoa học rất ngạc nhiên.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/phat-hien-cau-truc-go-lau-doi-nhat-the-gioi-4065747-b.html