Phát hiện cách thức lây nhiễm mới của virus cúm

Nghiên cứu mới cho thấy các virus gây cúm A ẩn náu trong các tế bào bạch cầu đã bị tiêu diệt và tìm cách lây lan trong cơ thể.

Đây là phát hiện của các nhà nghiên cứu Viện Khoa học Phân tử, Đại học La Trobe (Australia) được công bố trên Tạp chí Communications Biology ngày 8/5. Nhóm tác giả nhận thấy virus cúm A có thể tiêu diệt các bạch cầu đơn nhân. Sau đó, chúng trú ẩn trong các tế bào chết đã được lập trình (hay còn gọi là apoptosis - chết rụng tế bào) như "con ngựa thành Troia" rồi lây lan trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu của Đại học La Trobe sử dụng hàng loạt phương pháp sinh hóa cùng kính hiển vi có độ phân giải cao để bắt giữ virus ẩn trong và trên các mảnh tế bào sắp chết này. Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Georgia Atkin-Smith, cho biết hiện tượng "con ngựa thành Troia" cho phép virus lay lan mạnh trong cơ thể hơn bình thường.

Monocytes (bạch cầu đơn nhân) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Nó giúp cơ thể tiêu diệt kẻ xâm lược và tạo điều kiện để sửa chữa các tế bào bị hỏng. Theo TS Atkin-Smith, chúng ta có thể hiểu loại tế bào bạch cầu này giống như lực lượng dự bị trong quân đội.

 Virus cúm A có thể tiêu diệt các bạch cầu sau đó "mượn" các tế bào bạch cầu đơn nhân đã chết làm "lá chắn" để lây lan trong cơ thể. Ảnh: Đại học La Trobe.

Virus cúm A có thể tiêu diệt các bạch cầu sau đó "mượn" các tế bào bạch cầu đơn nhân đã chết làm "lá chắn" để lây lan trong cơ thể. Ảnh: Đại học La Trobe.

“Chúng tôi phát hiện virus có thể xâm nhập hiệu quả qua các tế bào quan trọng nói trên, giết chết các bạch cầu đơn nhân bằng cơ chế chết rụng tế bào, khiến chúng phân mảnh”, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói.

Quá trình này được gọi là “vũ điệu của cái chết”. Những mảnh tế bào bạch cầu đơn nhân đã chết trở thành vỏ bọc hoàn hảo chứa các thành phần virus có thể lây lan, tồn tại trong cơ thể và tạo ra phản ứng miễn dịch chống virus.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra từ kết quả của các thử nghiệm nuôi cấy tế bào, một loại thuốc chống loạn thần có thể hạn chế sự lây lan này của virus cúm A. “Chúng tôi phát hiện Haloperidol có khả năng ức chế sự phân mảnh của các tế bào Monocytes sắp chết. Loại thuốc này hạn chế sự lây lan của virus qua con đường “ngựa thành Troia”, BS.TS Atkin-Smith cho biết thêm.

Virus cúm A có liên quan đến hơn 700 ca tử vong vào năm 2019 tại Australia. Trên toàn cầu, loại virus này khiến 3-5 triệu người mắc bệnh nặng mỗi năm và là nguyên nhân gây ra cái chết cho 290.000-690.000 người hàng năm.

Theo TS Atkin-Smith, việc tìm ra những cách lây lan mới của virus cúm A và virus cúm nói chung là điều cần thiết cho sự phát triển của các phương pháp điều trị mới.

Chủng virus gây cúm có thể thường xuyên biến đổi. Vaccine đóng vai trò quan trọng nhưng tại Australia, hiệu quả của nó chỉ chiếm 40-60%, theo lời ông Atkin-Smith.

Phát hiện này được xây dựng dựa trên nghiên cứu trước đó từ nhà sinh vật học tế bào của Đại học La Trobe, PGS Ivan Poon. Ông là người đầu tiên phát hiện ra giai đoạn cuối của quá trình chết rụng tế bào và cách thức loại bỏ nó ra khỏi cơ thể.

Giáo sư Poon cho biết trong hơn 50 năm qua, các nhà khoa học cho rằng sự phân mảnh tế bào là một quá trình ngẫu nhiên và các mảnh tế bào chết chỉ là mảnh vụn trong cơ thể.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Khoa học Phân tử, Đại học La Trobe (Australia) là nghiên cứu đầu tiên chứng minh các mảnh tế bào sắp chết có thể giúp virus cúm A lây lan trong cơ thể, tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh khác.

Việc tiếp tục nghiên cứu trên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của phương pháp điều trị mới cho các bệnh truyền nhiễm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-cach-thuc-lay-nhiem-moi-cua-virus-cum-post1082906.html