Phát hiện cách 'thuận tự nhiên' giúp giảm rác thải nhựa

Năm 2017, nhà sinh vật học Federica Bertocchini thuộc Viện Kỹ thuật Y sinh và Công nghệ sinh học Cantabria (Tây Ban Nha) phát hiện thấy những chiếc túi nhựa đựng sâu sáp mà bà và cộng sự để trong phòng thí nghiệm xuất hiện nhiều lỗ thủng. ,,,,

Nghiên cứu kỹ hơn, họ nhận thấy những con sâu không chỉ đục thủng túi, chúng đã ăn chính những chiếc túi để thoát ra ngoài và tiêu hóa nhựa trong quá trình đó.

Sâu sáp là một loài vật gây hại cho người nuôi ong, do bướm trưởng thành lén đẻ trứng vào các tổ ong, sau đó ấu trùng ăn sáp phá hoại tổ. Tuy nhiên, theo bà Federica Bertocchini, sáp ong và nhựa tổng hợp có cấu trúc hóa học rất tương đồng, và có thể coi sáp ong là một loại “nhựa tự nhiên”.

 Chiếc túi nhựa bị sâu sáp “ăn”. Ảnh: The Guardian.

Chiếc túi nhựa bị sâu sáp “ăn”. Ảnh: The Guardian.

Chúng ăn nhựa sau đó thải ra ethylene glycol, vốn phân hủy trong tự nhiên chỉ sau vài ngày đến vài tuần, thay vì hàng trăm năm như nhựa tổng hợp. Điều này khiến loài sinh vật gây hại, vốn chỉ được dùng làm thức ăn cho gia cầm hoặc mồi câu cá này mang trong mình “chìa khóa” giúp giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đang đe dọa toàn cầu. Không chỉ có sâu sáp, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng ấu trùng bướm đêm Ấn Độ, vốn là nỗi kinh hoàng đối với lương thực của người, cũng có thể “ngấu nghiến” nhựa tổng hợp hoặc giấy bìa cứng.

Tuy nhiên, viễn cảnh dùng những cỗ “máy ăn” tí hon này để xử lý rác thải vẫn bị coi là không khả thi. Tốc độ tiêu thụ nhựa của ấu trùng là rất chậm chạp. Trong nghiên cứu của bà Federica Bertocchini, 100 con sâu sáp mất tới 12 giờ để ăn hết một chiếc túi nhựa nặng 92mg. Do đó, dù “nuôi” lượng ấu trùng ở quy mô khổng lồ cũng chỉ có thể xử lý được lượng rất nhỏ rác thải nhựa, so với hàng trăm triệu tấn con người thải ra hàng năm. Ngoài ra, việc nuôi quá nhiều những loài sâu hại này có thể là hiểm họa đối với hệ sinh thái nếu để chúng lọt ra ngoài.

Mặc dù vậy, với khoa học, một phát kiến sẽ dẫn tới nhiều đột phá nếu có sự kiên nhẫn và cẩn trọng. Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các loại ấu trùng cho thấy tự thân chúng không tiêu hóa được nhựa, thay vào đó trong hệ tiêu hóa của chúng có các vi khuẩn và enzyme có thể làm được việc đó. Không những thế, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều loại vi khuẩn khác có thể dùng nhựa làm “thức ăn”.

Đây mới là lý do thực sự làm giới khoa học tỏ ra hào hứng. Họ có thể tổng hợp enzyme nhân tạo, hoặc nuôi cấy vi khuẩn ở quy mô lớn để cho hiệu suất tiêu hủy nhựa cao hơn rất nhiều. Trong bối cảnh cuộc chiến cứu tự nhiên khỏi rác thải nhựa đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, dường như chính tự nhiên lại có sẵn “vũ khí” giúp giải quyết những vấn đề khiến con người “đau đầu” hàng thập kỷ qua.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/phat-hien-cach-thuan-tu-nhien-giup-giam-rac-thai-nhua-592845