Phát hiện bất ngờ về hình ảnh 'giải cứu' thùng phiếu đại cử tri

Một số bức ảnh được chụp lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump được đánh giá giống như những bức tranh nghệ thuật cổ điển thời kỳ Trung cổ và Phục hưng.

Hồi đầu tháng này tại Điện Capitol, trước khi sự tập trung chuyển sang các cửa sổ bị phá vỡ tan tành và nhóm bạo loạn, nhiếp ảnh gia Olivier Douliery đã hướng ống kính của mình tới một góc quay tĩnh lặng hơn.

Bốn trợ lý Thượng viện đeo khẩu trang. Giữa họ là hai hộp gỗ. Hai chiếc hộp chứa nặng những lá phiếu, và trông chúng nặng hơn cả lịch sử.

Hông và vai vặn vẹo, một phụ tá thực hiện một bước đi mạnh mẽ. Khung cảnh tựa như một tác phẩm điêu khắc được đúc bằng các chất liệu tương phản.

Một người khác nhìn xuống để kiểm tra chắc chắn rằng chiếc hộp vẫn còn trong tay mình. Cổ đeo ngọc trai với gương mặt điềm đạm, người đồng nghiệp khác nhìn ra khung cảnh trang trọng xung quanh: một sự kiện từ lâu được coi là hình thức thủ tục đang diễn ra cùng với sự tôn nghiêm của một nghi lễ.

 Các phụ tá mang các hộp đựng phiếu đại cử tri đoàn trong phiên họp quốc hội ở Điện Capitol ngày 6/1. Ảnh: Oliver Douliery.

Các phụ tá mang các hộp đựng phiếu đại cử tri đoàn trong phiên họp quốc hội ở Điện Capitol ngày 6/1. Ảnh: Oliver Douliery.

Christopher Nygren, giáo sư về nghệ thuật thời kỳ Phục hưng và Baroque tại Đại học Pittsburgh, tỏ ra ấn tượng khi nhìn thấy bức ảnh của Douliery. Ông chia sẻ: “Những chiếc hộp gỗ nhỏ đầy những mảnh giấy mà chẳng ai thèm quan tâm này bỗng chốc trở thành vật thiêng liêng nhất của nước Mỹ”.

Nếu cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính trị ổn định, một bức ảnh như vậy sẽ không tạo nên bất kỳ tiếng vang nào. Nhưng đối với giáo sư Nygren, bức ảnh này gợi nhớ đến bức tranh "Hòm giao ước" của thời Trung cổ và Phục hưng.

Bức tranh Hòm giao ước của thời kỳ Trung cổ và Phục hưng. Bức tranh này được vẽ vào năm 1827 cho thấy người dân Israel khuân chiếc hòm qua sông Jordan. Ảnh: Shutterstock.

Giống như cách giáo sư Nygren tiếp cận các bức hội họa, nhiều người cũng có thể bắt gặp những biến động trong cuộc sống qua các bức tranh thời Trung cổ và Phục hưng.

Trang Reddit thậm chí lập một diễn đàn nổi tiếng có tên “Accidental Renaissance” (tạm dịch là thời kỳ Phục Hưng ngẫu nhiên). Gần 800.000 nhà sử học nghệ thuật tham gia diễn đàn này. Họ thảo luận về những bức ảnh đương đại giống với những bức tranh cổ điển như thế nào.

Năm 2014, Alexis Smith, với tên người dùng là “openmindedskeptic”, tạo ra diễn đàn này sau khi thấy bức ảnh cuộc ẩu đả trong Quốc hội Ukraine có những điểm tương đồng với các bức tranh thời Phục hưng.

Vợ của một người dùng Reddit chơi trò xếp hình dưới ánh nến trong sự cố mất điện ở Los Angeles vào năm 2018 (ảnh trái). Hình ảnh có các yếu tố của nghệ thuật Baroque, bao gồm sự tương phản mạnh mẽ của ánh sáng và bóng tối mà các họa sĩ như Caravaggio và Georges de La Tour đã sử dụng. Ảnh bên phải là bức tranh “The Magdalen With the Smoking Flame” được vẽ bởi Georges de La Tour. Ảnh: The Washington Post.

Người phụ trách trang “Accidental Renaissance”, Barb (nhân vật yêu cầu chỉ sử dụng tên vì lo ngại về quyền riêng tư) giúp kiểm duyệt subreddit. Barb là người có thiên hướng thích tìm kiếm những “lỗ hổng Internet”.

Công việc của Barb là kiểm duyệt hàng trăm bức ảnh mỗi ngày, và đánh giá giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật của chúng. Cô cho rằng những bức ảnh được gửi về diễn đàn đều có sự liên kết chặt chẽ với các thời kỳ Phục hưng.

Bức ảnh "Người cha trong đại dịch" ở Mỹ được so sánh với tranh của St. Anthony. Ảnh: The Washington Post.

Ngoài ra, thuật ngữ “accidental Renaissance” còn được dùng để chỉ các bức ảnh kỹ thuật số có chất lượng tốt. Cụm từ này nói lên thông điệp rằng kể cả khi lướt Instagram, mọi người nên xem ảnh một cách tỉ mỉ hơn.

“Accidental Renaissance” đã đưa chúng ta quay ngược trở lại với lịch sử xưa kia. Những bức ảnh này không phải sự ngẫu nhiên. Chúng đã nói lên sự chia rẽ trong chính trị nước Mỹ.

Ông Nygren cho rằng những bức ảnh “accidental Renaissance” chính là một câu chuyện. Chúng ta biết mạch truyện và từ đó chúng ta mới tạo ra các nhân vật. Hình ảnh hai người ủng hộ ông Trump gục xuống khóc trông giống như bức tranh “Disrobing of Christ” của El Greco. Tất cả sự kiện xã hội xảy ra đều tác động đến cách ta nhìn nhận thế giới.

Thanh Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-bat-ngo-ve-hinh-anh-giai-cuu-thung-phieu-dai-cu-tri-post1175569.html