Phát hiện 'anh em' của khủng long bạo chúa T. rex

Hóa thạch 79,5 triệu năm tuổi của chi khủng long mới được phát hiện tại Canada thuộc Tyrannosaur (T. rex) - họ khủng long ăn thịt khát máu được giới khoa học gọi là 'thần chết'.

Một phần của xương sọ và hàm của con khủng long được phát hiện bởi vợ chồng ông De Groot tại Alberta, Canada.

Trước đó, họ từng phát hiện phần hóa thạch còn lại của xác con khủng long tại bờ sông Bow, phía Nam Alberta vào năm 2010. Một chiếc sọ khác sau đó được khai quật tại tầng đá Alberta’s Foremost Formation, nơi hóa thạch của một số loài khủng long khác cũng được tìm thấy.

“Mảnh xương hàm là một phát hiện cực kỳ quý giá. Chúng tôi biết nó đặc biệt bởi bạn có thể thấy rõ những chiếc răng hóa thạch”, đài CNN trích lời ông De Groot.

 Ông De Groot bên cạnh phát hiện xương sọ và hàm của chi khủng long mới. Ảnh: CNN.

Ông De Groot bên cạnh phát hiện xương sọ và hàm của chi khủng long mới. Ảnh: CNN.

Đây hiện là chi khủng long bạo chúa cổ nhất từng được ghi nhận tại Bắc Mỹ, đồng thời là phát hiện hóa thạch khủng long bạo chúa mới nhất tại Canada trong 50 năm qua.

Thanatotheristes degrootorum sống trong thời kỳ kỷ Phấn trắng, thời kỳ cuối cùng của thời đại khủng long, kéo dài từ khoảng 145 triệu đến 65 triệu năm trước. Con vật có hàm đầy răng với những chiếc răng nhọn dài tới 7 cm. Từ mõm đến đuôi, con khủng long dài khoảng 8 mét.

Tên của loài này là sự kết hợp giữa từ “Thanatos”, tên Thần chết trong thần thoại Hy Lạp và “De Groot”, tên của người nông dân phát hiện hóa thạch.

Giống như các chi thuộc họ Tyrannosaur hay khủng long bạo chúa khác, chúng có những vết sưng kì lạ trên hộp sọ. Một điều khiến ngoại hình loài khủng long mới này khác biệt là những vân dọc độc đáo chạy từ mắt dọc theo mõm trên, đem lại vẻ ngoài kì dị.

"Những đường vân này không giống như bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trước đây," tờ NBC News trích lời ông Jared Voris, nhà nghiên cứu chính. "Chúng tôi không chắc chắn lắm về tác dụng của chúng".

Theo ông Darla Zelenitsky, trợ giảng ngành cổ sinh vật học tại Đại học Calgary và là người đồng nghiên cứu hóa thạch, hóa thạch khủng long ăn thịt mới còn có nhiều điểm khác biệt về hình dáng cơ thể và đầu so với các chi khủng long bạo chúa khác được tìm thấy tại các khu vực khác, có thể do sự khác nhau về chế độ ăn uống.

“Chúng khác so với chi Albertosaurus vốn có cơ thể nhỏ hơn và sống xa hơn một chút về phía Trung Nam Alberta cũng như các chi nguyên thủy hơn với vóc dáng thấp và khuôn mặt giống chó bull ở phía Nam nước Mỹ, bao gồm tiểu bang New Mexico và Utah”.

Thanatotheristes degrootorum được đặt tên theo “Thanatos”, tên Thần chết trong thần thoại Hy Lạp và “De Groot”, tên người nông dân phát hiện hóa thạch. Ảnh: Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell.

T. degrootorum cũng nhỏ hơn loài T. rex sống cách đây 12 triệu năm. Các nhà khoa học cho rằng điều này chứng tỏ có các nhóm nhỏ khủng long bạo chúa sống tại các địa điểm và vào từng thời gian nhất định và không nhất thiết hòa trộn với nhau.

Sự phát hiện chi khủng long bạo chúa mới cho thấy sự đa dạng về hóa thạch khủng long tại Canada cũng như của họ Tyrannosaur nói chung.

“Phát hiện này rất có ý nghĩa vì nó lấp đầy những khoảng trống trong những hiểu biết của chúng ta về sự tiến hóa của khủng long bạo chúa”, tiến sĩ Francois Therrien, người phụ trách nghiên cứu khủng long học tại Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell nói với tờ NBC News.

An Nguyễn
Theo CNN, NBC

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-hien-anh-em-cua-khung-long-bao-chua-t-rex-post1046402.html