Phát hiện 108 trường hợp nhiễm sán dây lợn ở Bình Phước, còn khả năng nhiều người khác chưa được phát hiện

Ngày 6/11, PGS.TS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM cho biết, Viện đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn, kết quả đã phát hiện thấy các mẫu thịt bị nhiễm loại ấu trùng với mật độ rất cao với 50 - 70 nang ấu trùng/kg thịt. Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.

Sán dây lợn thu được từ mẫu thịt heo

Ngay sau đó, Viện đã kết hợp đơn vị liên quan xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã của huyện Bù Gia Mập và phát hiện 108 ca mắc sán dây lợn. Viện cũng nhận định, do điều kiện khó khăn, không loại trừ khả năng nhiều trường hợp khác mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện.

“Loại bệnh này có khả năng nhiễm cao, lây lan nhanh do tập quán chăn nuôi lợn thả rong, ăn uống, sinh hoạt của người dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín. Viện đã thông báo cho y tế địa phương để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh”, PGS.TS Lê Thành Đồng chia sẻ.

Được biết, bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.

Lấy mẫu ấu trùng sán dây lợn

Bệnh sán dây lợn thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, chủ yếu gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt. Trường hợp mắc sán dây lợn cần được chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời ở cơ sở y tế.

Minh Khang

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/phat-hien-108-truong-hop-nhiem-san-day-lon-o-binh-phuoc-con-kha-nang-nhieu-nguoi-khac-chua-duoc-phat-hien-c2a301830.html