Phát hành phim trên mạng thay ra rạp

Hai tháng sau ngày các rạp chiếu phim được phép hoạt động trở lại (ngày 22-6), lượng khán giả Pháp quay lại các rạp vẫn rất ít, chưa bằng 1/3 số người đến rạp cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất đã chọn phát hành phim trên mạng thay vì ra mắt phim ở rạp.

Có thể kể đến các phim Bronx của đạo diễn Olivier Marchal; phim hài cổ trang Brutus chống Cesar của đạo diễn Kheiron hay Forte thuộc dòng phim tình cảm xã hội của nữ đạo diễn Katia Lewkowicz.

Theo bà Sidonie Dumas, Giám đốc điều hành Hãng phim Gaumont, Bronx ban đầu dự kiến ra rạp vào mùa thu 2020 nhưng rồi Gaumont quyết định khởi chiếu bộ phim này trên mạng Netflix vào đầu tháng 9 tới. Quy tụ dàn viễn viên nổi tiếng, trong đó có Thierry Lhermitte, Gerard Darmon và Ramzy Bedia, Brutus chống Cesar dự kiến ra mắt tại các rạp trong tháng tới, rốt cuộc bộ phim sẽ được Amazon Prime Video độc quyền khai thác kể từ ngày 18-9.

Poster quảng cáo phim Brutus chống Cesar trên Amazon Prime Video

Poster quảng cáo phim Brutus chống Cesar trên Amazon Prime Video

Sở dĩ Gaumont chọn cách phát hành trực tuyến là vì Bronx sẽ có nhiều cơ hội thu hút đông đảo người xem hơn, thay vì được cho ra mắt khán giả ở rạp trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện tại.

Từ nhiều tuần qua, Gaumont chờ xem kết quả của các bộ phim được chiếu ở rạp và thực tế cho thấy, ngay cả những bộ phim có khả năng hút khách dễ dàng nhất, doanh thu vẫn thấp hơn nhiều so với mong đợi. Điều này là bởi khán giả Pháp, dù có nhiệt tình đến mấy, vẫn chưa thật sự sẵn sàng đi xem phim ở rạp.

Doanh thu của các rạp chiếu phim không ngừng sụt giảm, từ -50% cuối tháng 6 đến -70% vào cuối tháng 7. Điều đó đã khiến cho nhiều rạp phim nổi tiếng ở Paris như Le Grand Rex, Le Balzac, Le Nouvel Odeon buộc phải tạm thời đóng cửa do thu không đủ chi.

Theo chuyên gia ngành truyền thông Pháp Pascal Lechevallier, thời Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các mạng phát hành phim và video trực tuyến như Netflix, Amazon hay Disney+. Sự kiện một hãng phim lớn như Gaumont quyết định hợp tác với Netflix là một tín hiệu mạnh mẽ đối với ngành điện ảnh.

Không ai biết được chừng nào khán giả mới trở lại xem phim ở rạp và các nhà sản xuất cần nguồn tài trợ để đầu tư vào các dự án khác. Trong khi đó, các mạng như Netflix, Amazon hay Disney+ đang ráo riết chạy đua để giành lấy thị phần.

Trong tương lai gần, các mạng này buộc phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu yêu cầu Netflix hay Amazon phải mua 30% các nội dung sản xuất tại châu Âu. Bằng cách này, châu Âu có thể bảo vệ giới sản xuất phim bị các mạng phim cạnh tranh dữ dội.

Tuy nhiên trước mắt, việc các hãng phim Pháp chấp nhận hợp tác qua việc nhượng quyền khai thác phim trên mạng, làm cho hệ thống các rạp chiếu phim vốn đã bị lung lay trong thời phong tỏa, nay lại càng suy yếu thêm.

Theo lời ông Pascal Rogard, Giám đốc của SACD, cơ quan bảo vệ tác quyền của giới điện ảnh truyền thông và kịch nghệ, dịch Covid-19 chẳng những đã điều tiết thị trường, mà còn thay đổi luôn luật chơi. Các mạng phát hành phim và video đã trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các rạp chiếu phim.

Bên cạnh đó, quy định phát hành phim ở Pháp bị coi là lỗi thời. Phim chiếu ở rạp chỉ có thể được phát hành và khai thác nhiều tháng sau dưới dạng đĩa hình hay qua mạng chiếu video trực tuyến. Quy định lỗi thời này giải thích phần nào vì sao nhiều hãng phim Pháp trong bối cảnh đặc biệt thời hậu Covid-19, lại chọn phát hành trực tuyến thay vì đem phim đi chiếu ở rạp.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-hanh-phim-tren-mang-thay-ra-rap-681130.html