'Phát hành phim có đường lưỡi bò, không thể rút và dừng chiếu là xong'

Phim hoạt hình 'Everest - người tuyết bé nhỏ' dù đã được rút vì có bản đồ 'đường lưỡi bò', song các chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm và kỷ luật nghiêm để không tái diễn.

Bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ có nội dung lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” nhưng được CJ CGV phát hành tại Việt Nam khiến dư luận không khỏi bức xúc. Sự việc làm gợi nhớ lại ồn ào năm ngoái khi cũng chính đơn vị phát hành này chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ với nội dung tuyên truyền sai trái chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Vậy trách nhiệm của các bên liên quan thế nào? Để những sai sót này xảy ra do yếu kém về năng lực của cán bộ hay lỗ hổng trong cả quy trình kiểm duyệt?

Không thể chấp nhận được!

Trao đổi với Zing.vn, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, không giấu nổi vẻ bức xúc trước “sự cố” này, bởi ông nói “đây không phải lần đầu tiên”.

Dù bộ phim đã được rút và dừng chiếu, toàn bộ trailer cũng đã tháo gỡ trên hệ thống, tướng Cương cho rằng đây là sai lầm khó sửa chữa, bởi bộ phim đã được công chiếu rộng rãi gần 10 ngày nay, thậm chí được đánh giá là bộ phim ăn khách.

Bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable) xuất hiện đoạn bản đồ có đường lưỡi bò.

Bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ (Abominable) xuất hiện đoạn bản đồ có đường lưỡi bò.

“Dù là phim, vẫn có yếu tố chính trị nên việc kiểm duyệt không bao giờ được buông lỏng. Việc công chiếu một bộ phim tại Việt Nam mà lại có đường lưỡi bò là không thể chấp nhận được, dù chỉ vài giây thoáng qua, bởi đây là chủ quyền thiêng liêng của dân tộc”, tướng Cương nhấn mạnh.

Ông khẳng định, "đường lưỡi bò" hoàn toàn do Trung Quốc bịa ra và không có cơ sở lịch sử, đã bị tòa trọng tài của Công ước Luật biển bác bỏ.

Phân tích sâu hơn, thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng tất cả xuất phát từ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi.

Theo lời tướng Cương, ở trong nước, Trung Quốc xuyên tạc lịch sử bằng cách đưa vào sách của học sinh nội dung cho rằng từ thời nhà Hán cách đây 2.200 năm, nhà Hán đã làm chủ Trường Sa, Hoàng Sa. Đó là hoàn toàn lừa dối.

Trung Quốc gieo vào suy nghĩ của thanh, thiếu niên nước này rằng Việt Nam đang chiếm Trường Sa của Trung Quốc về kêu gọi thế hệ này không lấy được thì thế hệ sau phải lấy lại.

Còn ở ngoài nước, Trung Quốc cũng tận dụng mọi cơ hội truyền bá, xuyên tạc lịch sử, luật pháp quốc tế và những điều chính họ đã cam kết.

“Bởi vậy chúng ta phải luôn chủ động, cảnh giác trước âm mưu này. Đặc biệt trong các chương trình truyền hình hay phim ảnh. Đã có tiền lệ việc Trung Quốc lồng ghép nội dung sai sự thật lịch sử vào phim nhưng chúng ta đã để lọt”, ông Cương nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Việt, Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng nêu thực tế Trung Quốc luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền các nội dung sai trái về biển đảo.

Họ từng lồng ghép, cài cắm nhiều nội dung không đúng sự thật vào các bộ phim, và gần đây nhất, họ còn tổ chức game show mời những người nổi tiếng ra đảo nhân tạo nhằm tuyên truyền những luận điệu cho rằng các đảo này thuộc về Trung Quốc.

Vì vậy, không thể viện lý do “ta chưa biết hết các chiêu bài của Trung Quốc”, mà ta phải cảnh giác và có trách nhiệm cần nhận thức đúng đắn.

“Có thể chúng ta không biết hết những gì đã bị đưa vào, nhưng nhiệm vụ của những người gác cổng trong lĩnh vực văn hóa bắt buộc phải nhận thức, phát hiện ra các vấn đề này”, ông Việt nói.

Không xử nghiêm, sai lầm còn lặp lại

Trước khi bàn về vấn đề trách nhiệm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Việt nhắc lại sự cố tương tự xảy ra năm 2018 với phim Điệp vụ Biển Đỏ và cho rằng khâu kiểm duyệt phim của chúng ta đang có vấn đề.

Vấn đề ông Việt nói chính là việc có lỗi nhưng không bao giờ nhận ra lỗi nên không thể khắc phục được, vẫn để sự cố tương tự xảy ra.

Hình ảnh trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ.

Vì thế, ông Việt nhấn mạnh, không thể chỉ rút phim có "đường lưỡi bò" khỏi rạp là xong. Nếu như vậy, chúng ra sẽ gặp lại rất nhiều tình trạng tương tự và rơi vào tình trạng chạy theo giải quyết các chiêu bài của Trung Quốc.

Ông nhận định việc phải rút phim chứng tỏ kiểm quyệt có vấn đề, và trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa là không thể chối cãi. Vụ việc cho thấy sự thiếu kiến thức của những người làm văn hóa về biển đảo nói chung và Biển Đông nói riêng, nên nhìn thấy vi phạm vẫn nghĩ đó là điều bình thường.

Song với người hiểu biết, đây là sự việc rất nguy hiểm. Dù chỉ vài giây, nếu không xử lý nghiêm khắc tức là chúng ta không kiên quyết đấu tranh trước hành động sai trái của Trung Quốc.

“Hội đồng duyệt phim phải nhận ra lỗi và nghiêm khắc kỷ luật mới có thể tránh được sự cố đáng tiếc về sau, nếu không việc này sẽ còn lặp lại”, ông Việt nói.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Thủ tướng “canh cổng” và thực hiện nhiệm vụ “độc quyền” trong kiểm duyệt phim, vì vậy, phải nghiêm khắc xử lý trách nhiệm trong việc này.

Tướng Cương đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra lại việc này thuộc trách nhiệm của ai, khi đã xác định được thì làm rõ có phải do yếu kém về trình độ, năng lực không hay cố tình bỏ lọt nội dung sai trái vì một mục đích khác.

Ông đề nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo công khai việc này, cả danh tính người có sai phạm và hình thức xử lý kỷ luật. Bởi theo ông Cương, lỗi không phải ở quy trình, lỗi do nhận thức và trách nhiệm của cán bộ có thẩm quyền.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-hanh-phim-co-duong-luoi-bo-khong-the-rut-va-dung-chieu-la-xong-post1001485.html