Phát hành bộ tem đặc biệt về sự kiện 'Chiến thắng Bạch Đằng (1288)'

Ngày 18/7/2020, tại thị xã Quảng Yên, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính 'Chiến thắng Bạch Đằng (1288)'. Sự kiện nhằm khẳng định ý nghĩa và giá trị lớn lao của chiến thắng Bạch Đằng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta.

Bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)" tái hiện lại quang cảnh trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử với hùng khí “Sát thát” của thế trận toàn dân. Bối cảnh là khi thủy triều rút tại cửa sông Bạch Đằng, hình ảnh hàng loạt tàu của quân Nguyên - Mông bị cọc gỗ đâm thủng chìm dần trong biển lửa; các cánh quân của vua tôi nhà Trần trong tiếng trống trận dũng mãnh tiến công; tàu giặc bị đốt cháy; quân địch bị tiêu diệt, lửa cháy ngút trời khiến quân xâm lược hoảng loạn. Đặc biệt, bộ tem cũng khắc họa rõ nét hình tượng người lãnh đạo chỉ huy trận đánh cưỡi ngựa cùng quân dân đánh đuổi quân Nguyên – Mông. Minh họa thêm cho trận đại chiến lừng lẫy trên là sơ đồ trận đánh Bạch Đằng.

Bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288" do họa sĩ Nguyễn Du (thuộcTổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế

Bộ tem "Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288" do họa sĩ Nguyễn Du (thuộcTổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế

Bộ tem gồm một mẫu tem do họa sĩ Nguyễn Du (thuộcTổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế tràn lề, khuôn khổ 54 x 37 (mm), tông mầu nóng thể hiện khí thế hừng hực của các cánh quân trong trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam. Bộ tem được cung ứng trên mạng Bưu chính công cộng từ ngày 18/7/2020 đến ngày 30/6/2022, giá mặt 4.000 đồng.

Trước đó, từ năm 1958 đến năm 2019, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 15 bộ tem về tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, bộ tem “Kỷ niệm 700 năm chiến thắng giặc Nguyên Mông (1288-1988)” được phát hành ngày 09/4/1988, bộ tem gồm 2 mẫu, mẫu 1 phác họa đoàn quân chiến thắng trở về, mẫu 2 phác họa trận thủy chiến Bạch Đằng. Bộ tem do họa sĩ Trần Lương thiết kế.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Lễ phát hành tem đặc biệt được tổ chức tại một đơn vị hành chính cấp huyện, lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh kể từ năm 1945. Với ngôn ngữ riêng, hàm chứa nhiều ý nghĩa, nhiều thông tin, hy vọng bộ tem sẽ là một thông điệp đa chiều, góp phần giới thiệu, quảng bá và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích lịch sử Bạch Đằng”.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (bên phải) cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (bên trái) ký đóng dấu phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)"

Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã khẳng định: "Truyền thống Bạch Đằng và truyền thống kỷ luật, đồng tâm của công nhân Mỏ là điểm tựa của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ có thêm nhiều thành tựu mới để khẳng định vị trí một địa bàn động lực, một cực tăng trưởng nhanh và là đầu tàu trung tâm kinh tế mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ".

Một trong những điểm nhấn tại buổi lễ là chương trình nghệ thuật với màn sử thi “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca trên sóng”. Tác giả kịch bản - nghệ sĩ Lê Thế Song, đạo diễn - nghệ sỹ Hoàng Quỳnh Mai và được thể hiện bởi 78 diễn viên chuyên nghiệp đến từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. Màn sử thi có thời lượng 30 phút, tái hiện lại trận thủy chiến của quân dân Đại Việt trên sông Bạch Đằng. Cũng trong chương trình, các đại biểu đã dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Chương trình cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá những giá trị to lớn của khu di tích lịch sử Bạch Đằng tới đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè trên thế giới, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích lịch sử Bạch Đằng, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-hanh-bo-tem-dac-biet-ve-su-kien-chien-thang-bach-dang-1288-140587.html