Phật giáo đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ VIII sẽ chính thức khai mạc vào sáng mai (21/11) tại Hà Nội.

Đây là sự kiện lớn của hàng triệu tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong ngày 20/11, các đại biểu đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự lễ khai trương Triển lãm thành tựu phật giáo Việt Nam…

Trước thềm Đại hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự phấn khởi về những bước phát triển của Phật giáo nước nhà 5 năm qua, đồng thời cũng gửi gắm những tâm tư về hướng đi của Phật giáo trong thời kỳ hội nhập.

Đại biểu về dự Đại hội tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội.

Về dự Đại hội, hòa thượng Thích Giác Pháp – Phó Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM không giấu nổi xúc động cho biết, ngay trong tháng 11 này, Việt Nam Quốc tự- ngôi chùa Việt lớn nhất TP.HCM đã được khánh thành, khang trang và uy nghiêm với kinh phí hơn 250 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân thành phố. Đây cũng là nơi đặt văn phòng của Ban trị sự Phật giáo TP.HCM.

Trước đó, Học viện Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1 cũng khánh thành tại thành phố, giúp đào tạo hơn 1.000 tăng ni sinh khu vực phía Nam.

Các đại biểu dự triển lãm thành tựu Phật giáo Việt Nam.

“Sự phát triển của phật giáo thành phố đều có sự hỗ trợ tích cực của Chính quyền, đặc biệt là Ban tôn giáo Chính phủ. Chẳng hạn như Việt Nam quốc tự, trước đây chính quyền cũ chỉ cho mướn khu đất đó 50 năm. Nay, Nhà nước đã giao quyền sử dụng cho Giáo hội vĩnh viễn nên chúng tôi đã xây dựng khang trang như vậy. Ngoài ra, các tổ chức khác của giáo hội trên địa bàn thành phố cũng được tạo điều kiện hoạt động thuận lợi”, Hòa thượng Thích Giác Pháp cho biết.

Ấn tượng với sự phát triển của phật giáo nước nhà 5 năm qua như: tất cả 63 tỉnh thành đều có Ban trị sự phật giáo, các cơ sở thờ tự và đào tạo được mở rộng, nhân sự được kiện toàn, trình độ của tăng ni sinh được nâng cao…

Hòa thượng Thích Giác Pháp.

Thượng tọa Thích Minh Tiến – Phó Ban Văn hóa phật giáo Trung ương cho rằng, để phát triển bền vững, phật giáo cũng cần nhìn lại mình để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Trí tuệ phải đặt lên hàng đầu và bảo đảm sự tôn nghiêm của giới luật, tính kỷ cương của Giáo hội. Đặc biệt, Giáo hội cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Hiện nay, Ban văn hóa phật giáo đang có chủ trương và sẽ đề xuất Giáo hội xin ý kiến giữ bản sắc văn hóa Việt Nam trong xây dựng chùa chiền, trong kinh sách, chữ viết cũng như y phục của tu sĩ thống nhất trong cả nước”, Thượng tọa Thích Minh Tiến nói.

Thượng tọa Thích Minh Tiến.

Về dự Đại hội lần này có nhiều phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Bà Đặng Thị Tới- phật tử chùa Sùng Phúc- Hà Nội rất tâm đắc với truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo. Đồng thời cũng mong muốn, giáo lý nhà phật sẽ lan tỏa nhiều hơn để hạn chế cái xấu, các ác trong xã hội.

“Được đi dự đại hội thế này, chúng tôi rất hoan hỉ. Là phật tử, chúng tôi rất mong được gặp các quý thầy, gặp phật tử ở trong và ngoài nước. Đây là duyên kỳ ngộ. Chúng tôi học về chính pháp đều có một tâm hướng thiện, từ bi hỉ xả”, bà Tới nói.

Phật tử chùa Sùng Phúc.

Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VIII có chủ đề “Trí tuệ- kỷ cương- hội nhập”, với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu ở trong và ngoài nước.

Đại hội sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó đề cao việc giữ vững kỷ cương, giới luật và tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội, kiên định lý tưởng: Đạo pháp, dân tộc, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phật giáo Việt Nam, đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại./.

Hương Giang/VOV - Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/phat-giao-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-697930.vov