Liên minh AUKUS làm nóng cuộc đua tàu ngầm giữa Mỹ và Trung Quốc

Tác chiến dưới nước đã nổi lên như một lĩnh vực cạnh tranh tiếp theo trong cuộc ganh đua quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh dần bắt kịp ưu thế của Mỹ trên bầu trời.

Lo ngại cán cân quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ngày 16/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập liên minh an ninh mang tên AUKUS nhằm tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Điểm mấu chốt của cơ chế an ninh ba bên này là một thỏa thuận nhằm hỗ trợ Australia sở hữu những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên và tăng cường sức mạnh hải quân của Anh.

Tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân lớp Virginia Block III USS Delaware. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân lớp Virginia Block III USS Delaware. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Phát biểu khi công bố liên minh an ninh mới tại Nhà Trắng ngày 16/9, Tổng thống Biden cho biết: “Các nước sẽ cập nhật và nâng cao khả năng chung để đối phó với các mối đe dọa an ninh của thế kỷ 21, giống như những gì chúng ta đã làm trong thế kỷ 20”.

Mặc dù ông Biden không nêu rõ những mối đe dọa đó là gì, nhưng tuyên bố của ông phần lớn được cho là ám chỉ Trung Quốc. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 6 quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ được cho là sở hữu những tàu ngầm hạt nhân tối tân, chạy êm hơn và có khả năng lặn sâu dưới nước trong thời gian dài hơn so với tàu ngầm hoạt động bằng động cơ diesel. Trước Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ cung cấp công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân vào năm 1958.

Mỹ đã phát triển tàu ngầm hạt nhân kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hiện giờ các tàu ngầm của nước này vẫn vượt trội hơn so với tàu ngầm Trung Quốc về khả năng tàng hình, khả năng hoạt động liên tục, năng lực giám sát và phát hiện tàu của đối phương. Ngoài các nhiệm vụ chuyên biệt, tàu ngầm còn giúp củng cố sức mạnh của Mỹ trên các vùng biển bằng cách cung cấp thêm một lớp bảo vệ cho tàu sân bay và tàu khu trục.

Quyết định thành lập liên minh AUKUS được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về cán cân quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo một nghiên cứu của Rand Corp, Mỹ từng nắm giữ lợi thế trên không áp đảo so với Trung Quốc nhưng khoảng cách đó đã bị thu hẹp dần trong những năm qua và hai bên đã đạt năng lực tương đương vào năm 2017.

Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.250 tên lửa đất đối không có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Đây là loại vũ khí mà Mỹ từng bị cấm triển khai trong khuôn khổ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm Trung với Nga. Nhưng hiệp ước này đã bị hủy bỏ vào tháng 8/2019. Đến giờ, Mỹ vẫn không sở hữu bất cứ tên lửa nào có tầm bắn như vậy.

Trung Quốc có 2 tàu sân bay, 56 tàu ngầm, 1.250 máy bay chiến đấu và 8 tàu tấn công đổ bộ. Trong khi đó, hoạt động triển khai của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm có 1 tàu sân bay, 250 máy bay chiến đấu và 4 tàu tấn công đổ bộ.

Bắc Kinh hiện đang tập trung vào việc loại bỏ bất lợi hàng hải lớn cuối cùng của nước này trước Mỹ về năng lực tác chiến dưới nước. Vào tháng 4/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự lễ hạ thủy 3 chiếc tàu tại một căn cứ hải quân ở thành phố Tam Á. Nổi bật tại sự kiện này là tàu ngầm hạt nhân Type 094A Trường Chinh 18, được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2, tầm bắn tối đa khoảng 8.000 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây được cho là tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Giúp đồng minh kiềm chế Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong số 56 tàu ngầm của Trung Quốc có 10 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm với việc gia tăng số lượng lên tới 70 chiếc vào cuối thập kỷ này.

Mỹ dự kiến triển khai khoảng 10 tàu ngầm trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Nhật Bản - đồng minh của nước này có kế hoạch triển khai 22 chiếc cho đến cuối tháng 3/2022, nhưng tính gộp lại, số lượng của Mỹ và đồng minh vẫn nhỏ hơn so với hạm đội của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh được cho là ngày càng táo bạo hơn trong hoạt động tàu ngầm. Vào ngày 10/9, Nhật Bản phát hiện 1 tàu ngầm nghi của Trung Quốc ở vùng tiếp giáp ngoài khơi đảo Amami Oshima trên Biển Hoa Đông. Trước đó vào tháng 1/2018, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng phát hiện 1 tàu ngầm Trung Quốc tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Con tàu sau đó nhanh chóng trồi lên mặt nước, treo cờ và báo hiệu ý định đi qua không gây hại. Hoạt động hàng hải của Trung Quốc cũng mở rộng gần hơn với Australia trong những năm gần đây.

Theo Nikkei, việc sở hữu tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp Australia đóng vai trò giám sát và kiềm chế sức mạnh của Hải quân Trung Quốc tại nhiều khu vực ở Thái Bình Dương, có thể giúp Mỹ giảm bất lợi về số lượng trước hạm đội tàu ngầm đông đúc của Trung Quốc.

Ông Philip Davidson, cựu Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei.

“Các lực lượng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với các lực lượng Mỹ và Nhật Bản thông qua việc thành lập các cơ quan chỉ huy và kiểm soát chung cũng như đẩy mạnh công tác hậu cần để hỗ trợ chiến đấu. Nhưng hiện tại, tôi cho rằng các lực lượng của Mỹ và Nhật Bản vẫn đang dẫn đầu”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Nikkei

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/lien-minh-aukus-lam-nong-cuoc-dua-tau-ngam-giua-my-va-trung-quoc-891374.vov