Phát động trồng rừng ngập mặn bảo vệ bãi ven biển tại đồng bằng sông Cửu Long

Hưởng ứng phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển trên toàn quốc, sáng ngày 20-7, tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức 'Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long'.

Ra quân trồng rừng ven biển huyện Trần Văn Thời sau lễ phát động từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Ra quân trồng rừng ven biển huyện Trần Văn Thời sau lễ phát động từ Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

NDĐT – Hưởng ứng phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển trên toàn quốc, sáng ngày 20-7, tại xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham gia lễ phát động có đại diện một số Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo UBND một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số tổ chức quốc tế và đông đảo người dân và học sinh trên địa bàn một số xã ven biển của huyện Trần Văn Thời.

Phát biểu tại buổi lễ phát động, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, nhấn mạnh: Trong những năm qua, với diễn biến phức tạp, cực đoan của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vùng đất ven biển nước ta chịu tác động mạnh mẽ từ biển. Số liệu thống kê đã cho thấy, hàng năm chúng ta mất đi khoảng 300 ha đất ven biển, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, kinh tế nhiều vùng trên cả nước. Diễn biến xói lở đặc biệt nghiêm trọng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp tại các vùng đất ven biển phía Đông, phía Tây vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng NN-PTNT cho biết, đây cũng là một trong những hoạt động tiếp nối việc triển khai thực hiện Nghị quyết 76, Nghị quyết 120 của Chính phủ với các giải pháp đồng bộ, sáng tạo, gắn với thực tiễn cuộc sống nhằm bảo vệ bãi ven biển vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời cũng là dịp để cán bộ, nhân dân các tỉnh ven biển ĐBSCL và tất cả chúng ta nâng cao nhận thức, ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển; hiểu rõ lợi ích, giá trị do rừng ngập mặn mang lại để từ đó tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả.

Tại lễ phát động, ông Tim McGrath, Giám đốc GIZ khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phục hồi rừng ngập mặn với bảo vệ bờ biển để có một giải pháp toàn diện và hiệu quả bảo vệ vùng ven biển. Đây cũng chính là lĩnh vực ưu tiên của GIZ, nhằm góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn để giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân.

Cùng nhìn nhận như trên, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Sự kiện này cũng sẽ góp phần truyền tải thông điệp rộng rãi đến các địa phương về tầm quan trọng to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người cùng chung tay bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn”.

Sau phần lễ, các đại biểu đã tham gia trồng rừng ngập mặn tại khu vực bãi bồi sau khu vực kè Đá Bạc, thuộc ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Rừng được trồng trái cây Đước, một trong những loài thực vật đặc trưng của rừng ngập mặn ven biển Cà Mau.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước sẽ xây dựng kế hoạch ra quân, hưởng ứng lễ phát động. Bởi, đây là hoạt động tiếp nối có tính lan tỏa, hệ thống, khả thi và để bảo đảm tính bền vững cho phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển trên phạm vi cả nước.

Theo đại diện Tổ chức GIZ, rừng ngập mặn có tầm quan trọng đặc biệt đối với ĐBSCL và các vùng ven biển, bởi những giá trị về môi trường, xã hội và kinh tế. Đặc biệt, rừng ngập mặn là lá chắn tự nhiên bảo vệ vùng ven biển và người dân trước những hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai như: nước biển dâng, ngập lụt và xói lở.

Trong gần mười năm qua, Tổ chức GIZ đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Bộ NN-PTNT, Tổng Cục Lâm nghiệp, Tổng cục PCTT và các tỉnh ĐBSCL thực hiện một loạt các hoạt động, như: xây dựng chính sách, công cụ và hướng dẫn quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; thí điểm mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn tại Sóc Trăng và Cà Mau...

Những hoạt động nêu trên không chỉ tác động trực tiếp đến vùng ĐBSCL mà còn lan tỏa đến toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/40931702-phat-dong-trong-rung-ngap-man-bao-ve-bai-ven-bien-tai-dong-bang-song-cuu-long.html