Phát động thi viết 'Người thay đổi nhận thức về tê giác'

Đại Sứ quán Nam Phi hợp tác với Hãng hàng không Emirates và Tổ chức Hoang dã Châu Phi cùng tổ chức một cuộc thi viết để tìm ra 'Người thay đổi nhận thức về Tê giác' tại Việt Nam.

Tê giác là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, phần lớn là do nạn săn trộm bất hợp pháp để cung cấp cho nhu cầu về sản phẩm từ sừng tê giác.

Nam Phi là nơi trú ngụ của một số lượng tê giác lớn nhất còn lại trên thế giới với 20,000 con, trong đó có khoảng 2,000 con tê giác đen và khoảng 18,000 tê giác trắng.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2014, đất nước Nam Phi đã trải qua một cuộc khủng khoảng về nạn săn trộm tê giác khi mà tỷ lệ này tăng theo cấp số nhân lên đến 9,000%. Trong những năm gần đây, mặc dù số liệu về nạn săn trộm tê giác có giảm chậm, nhưng vấn nạn này vẫn đang là mối đe dọa sắp xảy ra đối với quần thể tê giác trên thế giới.

Năm 2019, nhằm tôn vinh ngày Tê giác, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi viết để tìm ra người có thể hành động với tư cách là “Người thay đổi nhận thức về Tê giác”.

Tê giác đang bị sắn trộm nhiều để lấy sừng

Tê giác đang bị sắn trộm nhiều để lấy sừng

Mục đích của cuộc thi là để khơi dậy nhận thức về tê giác và giải thưởng lớn dành cho người thắng cuộc là một chuyến đi 10 ngày sang Nam Phi vào tháng 6 năm 2020.

Trong chuyến đi này, người thắng cuộc được tham gia khám phá đường mòn hoang dã và trải nghiệm cùng tê giác, được trang bị kiến thức về việc bảo tồn tê giác để giáo dục những người khác khi trở về Việt Nam.

Thể lệ cuộc thi: Viết một bài luận dưới dạng bức thư gửi đến một người sử dụng sừng tê giác trong tưởng tượng; trong thư bạn phải thuyết phục họ dừng việc sử dụng sừng tê và khuyên họ nên giúp đỡ loài tê giác như thế nào.

Ngoài ra, người dự thi gửi cho ban tổ chức một đoạn video ngắn, trong đó tự giới thiệu về bản thân (tên đầy đủ, ngành/ lĩnh vực học tập/ lĩnh vực quan tâm) và cho biết tại sao bạn nên là Người thay đổi nhận thức về động vật hoang dã kế tiếp. (Ví dụ, khi trở về từ Nam Phi bạn sẽ phát động chương trình/ dự án hay sáng kiến gì tại Việt Nam)

Người tham gia phải là người Việt Nam, trong độ tuổi từ 18 đến 35. 2. Thư phải được viết bằng tiếng Anh, tối đa là 500 từ. Video ngắn được quay bằng tiếng Anh và không quá 5 phút. Người tham gia phải có trình độ nghe hiểu Tiếng Anh tốt vì chương trình bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi sẽ diễn ra bằng tiếng Anh.

Phải nộp cả bài luận lẫn video vào địa chỉ email worldrhinoday2019@gmail.com trước ngày 7 tháng 11 năm 2019.

Tr.Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/phat-dong-thi-viet-nguoi-thay-doi-nhan-thuc-ve-te-giac-563735/