Phát động Giải thưởng báo chí về 'Văn hóa ứng xử'

Chiều 19/8, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động giải báo chí về chủ đề 'Văn hóa ứng xử', tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được tổ chức nhằm vinh danh những tác phẩm báo chí xuất sắc có nội dung tuyên truyền về văn hóa ứng xử.

Giải báo chí viết về chủ đề "Văn hóa ứng xử" dự kiến sẽ được tổng kết và trao vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2020.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Văn hóa là nền tảng, là động lực để phát triển xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến lưu truyền văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, thời gian qua, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, truyền thông, cổ động, tạo sự thuận lợi trong xã hội, góp phần xây dựng nếp sống, hành vi văn hóa. Giải báo chí về "Văn hóa ứng xử" sẽ góp phần lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa đó sâu rộng hơn.

Thứ trưởng đề nghị các tác giả, nhóm tác giả, phóng viên, nhà báo, nhà văn hóa, nhà khoa học...tích cực hưởng ứng, viết các tác phẩm báo chí về văn hóa ứng xử, các bài viết nghiên cứu văn hóa với dòng chảy chính là các vấn đề tích cực, những tấm gương sáng trong văn hóa ứng xử, từ đó lan tỏa những điều chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.

Cũng tại buổi lễ phát động, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh những hành vi ứng xử văn hóa, trong xã hội còn tồn tại nhiều hành vi thiếu văn hóa, thiếu sự tử tế trong ứng xử với nhau. Đây là một vấn đề nóng, đang rất được dư luận quan tâm và nhà báo có vai trò, trách nhiệm thông tin, tuyên truyền nhiều hơn nữa về lĩnh vực này.

Vì thế, thông qua cuộc thi này sẽ lan tỏa được những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, trong toàn xã hội. Đây là giải báo chí có tính chuyên đề nhưng hết sức quan trọng. Nếu được sự vào cuộc của cả hệ thống báo chí thì sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp, ngăn chặn được những xu hướng xấu, thiếu tử tế trong xã hội, từ đó sẽ có thêm động lực để cả cộng đồng tiếp tục xây dựng văn hóa ứng xử trong thời gian tới.

Vì thế, thông qua cuộc thi này sẽ lan tỏa được những giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng, trong toàn xã hội (Ảnh: phunuvietnam)

Ban Tổ chức mong muốn thông qua cuộc phát động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo trong thực hiện tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa sâu rộng trong xã hội.

Cũng tại lễ phát động, Ban tổ chức gợi ý một số nội dung có thể tập trung khai thác gồm: Tuyên truyền về xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của người tham gia giao thông...

Đặc biệt là nêu gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước.

Tác phẩm tham dự giải là các tác phẩm thuộc các thể loại: bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp, các tác phẩm ở thể loại xã luận, chuyên luận, bình luận cũng không có trong thể loại báo chí được xét giải). Các tác phẩm được đăng tải trong thời gian từ ngày 1/9/2019-30/6/2019.

Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả tham dự giải tối đa không quá 5 tác phẩm. Mỗi tác phẩm báo chí được đăng, phát không quá 5 kỳ.

Tác giả có tác phẩm dự giải không trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc đang bị cơ quan điều tra về các sai phạm có liên quan.

Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt bài.

Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu như: thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh...

Theo tiêu chí xét trao giải, ngoài các giải dành cho cá nhân tác giả, còn có giải thưởng dành cho các cơ quan báo chí tích cực tham gia hưởng ứng Giải báo chí “văn hóa ứng xử”, có nhiều tác phẩm dự giải, nhiều tác giả đoạt giải. Chính vì thế, Ban tổ chức giải mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm tổ chức các chuyên mục, có chiến lược thông tin cụ thể, khuyến khích động viên phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tham gia.

Giải báo chí viết về chủ đề "Văn hóa ứng xử" dự kiến sẽ được tổng kết và trao vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/2020.

Tác phẩm dự thi gửi về Cục Thông tin Cơ sở (số 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội). Thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm dự thi là 17 giờ (ngày 30/6/3020) – tính theo dấu bưu điện.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-dong-giai-thuong-bao-chi-ve-van-hoa-ung-xu-post66729.html