Phát động cuộc vận động 'Viết và tìm hiểu tài chính 4.0'

Khái niệm tài chính 4.0 đã được thiết lập, vừa khuyến khích sự phát triển của tài chính tiêu dùng, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong lĩnh vực này. Để giúp người dân hiểu đúng về hoạt động này, Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam ) phối hợp Công ty Tài chính VP bank SMBC tổ chức cuộc vận động viết và tìm hiểu về 'Tài chính 4.0'

Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Công nghệ 4.0 tạo nên diện mạo mới trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế-xã hội ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đổi mới công nghệ, giảm tối đa chi phí trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đặc biệt là tài chính tiêu dùng đang là vấn đề được doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý quan tâm. Về mặt chính sách, hành lang pháp lý cho những hoạt động liên quan đến khái niệm tài chính 4.0 đã được thiết lập, vừa khuyến khích sự phát triển của tài chính tiêu dùng, vừa bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên thực tế đời sống xã hội, đã có không ít những tình huống bất cập, thậm chí những hệ lụy không đáng có trong hoạt động giao dịch tài chính tiêu dùng nảy sinh do bản thân những người tham gia thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật. Bản thân khái niệm “tài chính 4.0”, vốn nên hiểu là tài chính tiêu dùng, tài chính nói chung ứng dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 vì vậy lại bị hiểu lệch lạc, biến tướng, đến mức nhiều khi dư luận đánh đồng khái niệm này với những vụ việc tiêu cực,liên quan tới các sàn giao dịch tiền ảo, tài sản ảo, gây thiệt hại tài sản cho người tham gia.

Cuộc vận động sẽ kéo dài từ tháng 25/11/2021 đến hết tháng 20/7/2022.

Ở phổ rộng hơn và gây ra những hệ lụy lớn hơn cả là các app cho vay đang được quảng cáo nhan nhản trên mạng internet. Sự việc một sinh viên nữ vô ý đánh mất 10 triệu đồng tiền học phí mà phải tìm đến các app vay trên mạng, gánh lãi mẹ đẻ lãi con lên tới gần 300 triệu đồng cần được xem như hồi chuông cảnh tỉnh, cả trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan tới các hoạt động tín dụng tiêu dùng, cả trong việc nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng các dịch vụ này, tránh xảy ra tình trạng rơi vào bẫy nợ từ những hình thức cho vay chưa được cho phép tồn tại. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tài chính tiêu dùng đã và đang phát triển rất tốt trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ về hành lang pháp lý đối với hoạt động tài chính tiêu dùng được cấp phép, được giám sát, quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan hữu quan nên sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, những thông tin về hoạt động tài chính tiêu dùng hợp pháp chưa được truyền thông đúng mức, chưa giúp người tiêu dùng hiểu và tin tưởng đã khiến một bộ phận người dân không tìm đến những hình thức cho vay chính thống, hợp pháp mà lựa chọn “tín dụng đen”.

Ở góc độ vĩ mô, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động tiêu dùng, việc bổ sung kênh tài chính phục vụ cho mục đích tiêu dùng của người dân có thể hỗ trợ tích cực cho thị trường hàng hóa, tác động lan tỏa và bền chắc tới các hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung. Đối với Việt Nam, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng của chúng ta trong nền kinh tế vẫn đang ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực, do vậy dư địa phát triển còn rất lớn. Khơi thông nút nghẽn về hành lang pháp lý và nhận thức của người dân, mở cánh cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển thị trường chắc chắn sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.

Với mong muốn góp phần vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiếp cận tín dụng cho mục đích tiêu dùng của người dân, đồng thời góp một tiếng nói vào tiến trình hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tín dụng tiêu dùng, xây dựng thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường hàng hóa, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Đời sống và Pháp luật, cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cuộc vận động “Viết và tìm hiểu tài chính 4.0”. Cuộc vận động này nhằm tạo ra một diễn đàn công khai, cởi mở, lắng nghe sự góp ý của các nhà chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng; tạo cầu nối và sự gắn kết, thấu hiểu giữa các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng với khách hàng , giảm thiểu và xử lý triệt để những bất cập trong thực tiễn cung cấp dịch vụ; đồng thời tăng cường hiểu biết, tạo dựng những cái nhìn cởi mở và chính xác của người dân về hoạt động tài chính tiêu dùng. Chúng tôi tin rằng, mỗi kinh nghiệm, trải nghiệm, quan điểm, nhận xét từ quý độc giả, khán giả; mỗi chia sẻ từ các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng; mỗi góp ý, phản biện từ phía các chuyên gia sẽ được ghi nhận và thảo luận khách quan và được các cơ quan quản lý lắng nghe, nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự đoán sẽ ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chúng tôi cũng tin tưởng và mong muốn rằng, cuộc thi “Tìm hiểu Tài chính 4.0” sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tham gia tích cực của cộng đồng

Về thể lệ, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài đều có thể tham gia cuộc vận động “Viết và tìm hiểu Tài chính 4.0” bằng cách sáng tạo các video clip, bài viết và gửi về cho ban tổ chức.

Đối với các tác phẩm media, Ban tổ chức sẽ chọn ra 5 đội có ý tưởng nổi bật nhất để bước vào vòng Chung kết và xem xét trao 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, 1 giải Nhì 20 triệu đồng, 1 giải Ba 15 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Ngoài ra còn có, giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, 1 giải Nhất 20 triệu đồng, 1 giải Nhì 15 triệu đồng và 1 giải Ba 10 triệu đồng.

Thời hạn nhận bài dự thi từ ngày 25/11/2021 đến hết ngày 20/7/2022.

Mọi thắc mắc và góp ý xin liên hệ email: timhieutaichinh4.0@gmail.com.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn FE CREDIT đại diện đơn vị đồng hành tại lễ phát động.

Trong hơn 11 năm hoạt động, FE CREDIT với vị thế dẫn đầu thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam luôn mang trong mình sứ mệnh đem đến cơ hội tiếp cận nguồn tài chính chính thống, an toàn cho người dân mọi tầng lớp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

FE CREDIT đã phục vụ cho 12 triệu khách hàng, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng thuế cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho 16 nghìn nhân viên. Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, FE CREDIT cũng đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ…

NGUYỄN TIẾN THANH (Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/phat-dong-cuoc-van-dong-viet-va-tim-hieu-tai-chinh-4-0-679984/