Phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động

Chiều 28/4/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam chủ đề 'Nâng tầm lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam'

Ban tổ chức trao đổi ý nghĩa cuộc thi viết về kỹ năng lao động trong việc nâng cao nhận thức người dân.

Ban tổ chức trao đổi ý nghĩa cuộc thi viết về kỹ năng lao động trong việc nâng cao nhận thức người dân.

Cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam chủ đề "Nâng tầm lao động Việt Nam - Skilling up Việt Nam" là hoạt động ý nghĩa tiếp nối cho câu chuyện truyền thông, để làm nổi bật và sáng lên giá trị đích thực, vai trò quan trọng của kỹ năng nghề, kỹ năng lao động, nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày quốc tế lao động 01/5, và hướng tới ngày kỹ năng lao động Việt Nam. Với thông điệp “Kỹ năng nghề, giá trị đích thực” và “Cải thiện thế giới bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”. Mục đích của cuộc thi nhằm khẳng định vị trí, vai trò của kỹ năng lao động trong đời sống, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao nhận thức của người dân, của doanh nghiệp, của xã hội về vị trí, vài trò của kỹ năng lao động.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trương Anh Dũng phát biểu tại lễ phát động

Tại lễ phát động, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trương Anh Dũng cho biết để hiểu về vị trí, vai trò, giá trị của kỹ năng nghề, kỹ năng lao động trong đời sống, kinh tế, xã hội không phải ai cũng biết. Kỹ năng nghề, kỹ năng lao động có phải là bằng cấp, có đồng nghĩa với bằng cấp cao hơn thì kỹ năng càng cao. Và những năm trở lại đây, chúng ta thấy nói nhiều đến câu chuyện tuyển dụng theo kỹ năng thay vì tuyển dụng theo bằng cấp. Vậy kỹ năng nghề, kỹ năng lao động là gì? Đó chính là câu chuyện cần phải tiếp tục được truyền thông lan tỏa nhiều hơn nữa, để giúp cho người dân, doanh nghiệp, xã hội hiểu hơn.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam : Đây là một cuộc thi rất có ý nghĩa, một cuộc thi đầu tiên về lĩnh vực mà xã hội chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

"Hội Nhà báo hàng năm được giao nhiệm vụ tổ chức các giải báo chí quan trọng, số lượng lên đến 15 cuộc thi. Thế nhưng, đây là cuộc thi mới nhất mà Hội Nhà báo tham gia. Việc này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hội Nhà báo Việt Nam đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, nhận thức về kỹ năng lao động và kỹ năng nghề nghiệp của cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Chúng ta bị hút vào việc đào tạo bằng cấp quá nhiều, nếu chỉ quan tâm vào việc đào tạo để lấy bằng cấp thì lấy đâu ra người lao động trực tiếp", đồng chí Lợi nhấn mạnh.

Điều kiện tham dự cuộc thi:

Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí và các cá nhân quan tâm đến chủ đề cuộc thi là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài tham dự cuộc thi;

Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 07 người;

Hình thức tác phẩm tham dự

Loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

Thể loại: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.

Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện. Ngoài ra, còn một số vấn đề cụ thể cần lưu ý.

Thời gian nhận tác phẩm: từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/8/2021 (theo dấu bưu điện).

Về cơ cấu giải thưởng được xét theo từng loại hình báo chí, gồm: 4 giải A (mỗi giải 20 triệu đồng), 4 giải B (mỗi giải 15 triệu đồng), 8 giải C (mỗi giải 10 triệu đồng), 12 giải khuyến khích (mỗi giải 5 triệu đồng). Ngoài ra Ban tổ chức cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng giám khảo.

Ngoài ra Ban Tổ chức Cuộc thi có thể xem xét bổ sung thêm một số giải thưởng khác theo đề xuất của Hội đồng Giám khảo.

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; địa chỉ: 59 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội; điện thoại: 024.38.246.530 - 024.3935.1071 - 097.262.8386

Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà Minori, 67A Trương Định, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 0243.9740333 (số máy lẻ: 602)

Thế Anh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ve-ky-nang-lao-dong-n24669.html