Phạt đến 75 triệu đồng nếu ngược đãi người giúp việc gia đình

Người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng…

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định số 22/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, người sử dụng lao động bị phạt cảnh khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Trường hợp không thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn việc sử dụng lao động hoặc chấm dứt việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định thì phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu có một trong các hành vi: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Với trường hợp người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 50-75 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về lao động chưa thành niên.

Theo đó, phạt từ 1-2 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung, hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Mức phạt từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như: Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó.

Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe xác nhận phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần trong 6 tháng, hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp lứa tuổi.

Mức phạt này cũng áp dụng cho các hành vi sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc; sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

Mức phạt từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi sử sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép; sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép, hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mức này cũng áp dụng cho hành vi sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhật Dương -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/phat-den-75-trieu-dong-neu-nguoc-dai-nguoi-giup-viec-gia-dinh.htm