Phạt đến 2 tỉ đồng, quá cao nhưng có đủ sức răn đe?

Chiều nay (30.5), các đại biểu quốc hội thảo luận dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phần lớn đại biểu tập trung vào các vấn đề mức xử phạt tiền, thu giữ tang vật và quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

(TNO) Chiều nay 30.5, các đại biểu quốc hội thảo luận dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Phần lớn đại biểu tập trung vào các vấn đề mức xử phạt tiền, thu giữ tang vật và quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay đây là một dự luật rất lớn, liên quan và tác động đến hầu hết người dân. Do đó, dự thảo thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Điểm đáng chú ý của dự thảo là tăng mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính so với trước đây. Cụ thể: phạt từ 50.000 đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay, thực tế mức xử phạt như hiện nay đã quá lạc hậu. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho người dân và ngay cả những người có trách nhiệm thực thi, xử phạt.

Ông Hiến nói: “Do mức xử phạt thấp, không có tính răn đe nên hiện đang có dấu hiệu lờn luật, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Ngoài ra, cần có mức xử phạt cao hơn đối với các thành phố trực thuộc trung ương”.

Mức phạt 1-2 tỉ đồng: Quá cao, nhưng chưa chắc đã có tính răn đe

Tuy nhiên, vấn đề tăng cao mức xử phạt hành chính lại không được sự ủng hộ từ phía đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng). Ông Nam nói mức phạt tiền tối đa 1 tỉ đồng đối với cá nhân, 2 tỉ đồng đối với tổ chức là quá cao và chưa chắc đã có tính răn đe. Theo ông, dự thảo cần phải cân nhắc mức xử phạt sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như thu nhập của người dân.

Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng mức xử phạt hành chính mà dự thảo đề ra quá cao - Ảnh: Ngọc Thắng

Ở một góc độ khác, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng cho rằng việc cứng nhắc phạt tiền tối đa 1 tỉ đồng với cá nhân và tối đa 2 tỉ đồng đối với tổ chức là chưa thỏa đáng.

“Phải căn cứ vào từng tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm. Có khi cá nhân vi phạm để lại hậu quả lớn và nghiêm trọng hơn tổ chức”, ông Minh lập luận.

Ngoài ra, ông Minh còn yêu cầu phải rà soát lại các khoản tiền thu được từ xử phạt hành chính, sau đó trích ra một phần để phục vụ cho hoạt động của lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt.

Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị cân nhắc về quy định nộp tiền phạt. Cụ thể, theo ông, việc nộp phạt nhiều lần, số lần nộp phạt nhiều nhất không quá ba lần là vẫn chưa thỏa đáng, phải quy định rõ mức nào phải nộp bao nhiêu lần.

Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho rằng mức xử phạt tối đa 1 tỉ đồng cho cá nhân là quá cao khi thu nhập người dân còn thấp.

Đại biểu Trần Văn Lan (Tiền Giang) cho rằng mức phạt tối đa 2 tỉ đồng với tổ chức cũng là quá cao, dễ phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người xử lý vi phạm.

Về vần đề xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) yêu cầu cân nhắc lại có nên tịch thu phương tiện giao thông của đối tượng vi phạm đi mượn hay không, vì nhiều người dân không thể đi lại, làm việc nếu bị xử lý tịch thu phương tiện giao thông trong nhiều tháng.

Trái với ý kiến trên, một số đại biểu khác đồng tình với việc tịch thu các phương tiện vi phạm dù cho đó là phương tiện của người vi phạm hoặc đi mượn.

Kiến nghị đưa cả người mua dâm vào cơ sở chữa bệnh

Một nội dung khác là quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc cũng thu hút nhiều ý kiến của đại biểu.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng nên bỏ quy định này. Vì theo ông, làm như vậy là tước quyền tự do của công dân. Nếu sợ lây lan, dịch bệnh, Nhà nước cần có biện pháp quản lý, khám chữa bệnh thường xuyên cho đối tượng gái bán dâm.

Đồng tình với quan điểm đó, đại biểu Ngô Văn Minh nêu ý kiến nên cân nhắc lại quy định trên bởi về bản chất và cả trong thực tế thì người bán dâm cũng chỉ là nạn nhân.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) thì đề nghị phải đưa cả người mua dâm vào cơ sở chữa bệnh. “Như vậy mới công bằng”, bà Chi nói.

Về vấn đề xử phạt hành chính hành vi xâm phạm tình dục, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) đề nghị cần phải nêu rõ số lần vi phạm, chứ không thể quy định chung chung là "hành vi xâm phạm tình dục thường xuyên" như trong dự thảo.

Đại hiểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) thì cho rằng mức xử phạt từ 50 - 100 triệu đồng đối với cơ sở y tế gây ô nhiễm là chưa có tính chất răn đe. Trước mức xử phạt thấp như vậy, nhiều tổ chức y tế sẽ sẵn sàng nộp phạt, còn hơn phải bỏ một số tiền lớn để đầu tư hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém.

Đình Quân - Phúc Duy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/phat-den-2-ti-dong-qua-cao-nhung-co-du-suc-ran-de-66506.html