Phạt chủ nhà 3 triệu nếu để khách ăn cỗ lấy phần: Quy định không thuộc hệ thống pháp luật

Nhiều luật sư bày tỏ sự bất bình trước thông tin chủ nhà sẽ bị phạt tiền nếu để khách ăn cỗ lấy phần. Bởi quy định này không nằm trong hệ thống pháp luật.

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một số địa phương ở huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đang thực hiện cuộc vận động văn minh văn hóa ở địa phương, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Theo đó, nếu chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần về thì sẽ bị xử phạt tiền.

Báo Người Đưa Tin dẫn lời ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Giao Long (Giao Thủy, Nam Định) xác nhận, địa phương đang thực hiện cuộc vận động văn minh trong cưới xin và sẽ xử phạt nếu gia đình nào để khách đến ăn cỗ lấy phần.

Mỗi nhà có cỗ phải nộp trước 3 triệu cho UBND xã, nếu để khách ăn cỗ lấy phần sẽ bị phạt từ số tiền đã nộp. Ảnh minh họa

Mỗi nhà có cỗ phải nộp trước 3 triệu cho UBND xã, nếu để khách ăn cỗ lấy phần sẽ bị phạt từ số tiền đã nộp. Ảnh minh họa

Theo đó, khi gia đình có con cháu đến trụ sở UBND xã đăng ký kết hôn, cán bộ xã sẽ tuyên truyền vận động không làm cỗ to, không để xảy ra tình trạng ăn cỗ lấy phần.

Cụ thể, khi các gia đình chuẩn bị có cỗ cưới, đặt cọc số tiền 3 triệu đồng, do chính quyền xã tự đặt ra. Gia đình nào vi phạm để xảy ra tình trạng khách ăn cỗ lấy phần thì sẽ bị UBND xã xử phạt, trừ vào số tiền đã đặt cọc. Ví dụ: Một người lấy phần thì có thể bị phạt 500.000 đồng, 2 người thì phạt 1.000.000 đồng…

Vị lãnh đạo này cũng thông tin, vào mùa cưới UBND xã cũng tiến hành đọc quy định trên loa truyền thanh để người dân biết. Và cũng từ khi đưa ra quy định đến nay, xã chưa phạt bất cứ trường hợp nào, không có vi phạm.

Khi nhắc đến câu chuyện nêu trên, luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội bày tỏ sự bất ngờ, thậm chí cho rằng đây là chuyện lạ khi đi ăn cỗ lấy phần mà bị phạt.

“Hệ thống pháp luật không có quy định việc ăn cỗ lấy phần bị phạt, có quy định về đời sống văn hóa mới ở làng xã, khu dân cư, nhưng trong quy định không có nêu về việc ăn cỗ lấy phần mà chỉ nêu quy định trong việc không tổ chức cưới xin linh đình, ồn ào, gây mất trật tự.

Tôi đã được dự đám cưới ở Nam Định và biết có lệ ăn cỗ lấy phần, nhưng cũng chưa thấy ai nói rằng tốt hay xấu. Đây là tập tục của địa phương. Còn nếu nói quy định được đặt trong hương ước của làng, áp dụng xử phạt thì tôi cho rằng không phù hợp.

Tôi hiểu, những người làm công tác văn hóa ở địa phương cũng muốn có điều gì đó thay đổi nếp sống văn minh, nhưng bằng hình thức phạt hành chính như vậy là không phù hợp”, luật sư Tú nói.

Theo luật sư Tú, trong hệ thống luật không có quy định về việc ăn cỗ lấy phần bị phạt. Nên việc phạt nội bộ như vậy là vô hiệu.

“Tôi cho rằng ăn cỗ lấy phần sẽ bị xử phạt là không phù hợp, không thể áp dụng thực tế. Thay vào đó, chỉ có thể vận động, thuyết phục, nếu thấy hợp lý thì người dân sẽ tự nguyện làm theo”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định việc xử phạt ăn cỗ lấy phần là trái pháp luật.

Cũng có chung quan điểm như luật sư Tú, trao đổi với Dân Việt về vấn đề này luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Việc xử phạt chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần của các UBND xã thuộc huyện Giao Thủy là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nó làm mất đi một nếp sống văn hóa đã tồn tại từ lâu đời. Chính việc làm của các UBND xã mới là không có văn hóa”.

Theo luật sư, việc xử phạt hành chính cần phải có biên bản xử phạt, quyết định xử phạt và tuân theo trình tự về việc xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn Anh khẳng định: “Đối tượng xử phạt phải là người thực hiện hành vi vi phạm, nhưng ở đây hành vi không có, đối tượng cũng không có. Trong việc chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần, phải xử phạt ai? Xử phạt cô dâu chú rể, xử phạt bố mẹ cô dâu chú rể hay xử phạt người đi ăn cỗ lấy phần về? Việc xử phạt này không đúng. Vì không có hành vi được quy định bởi pháp luật và không được thực hiện theo trình tự thủ tục vì nó không có hành vi.

Tất cả các văn bản hệ thống pháp luật không có quy định pháp luật nào hủ tục cần phải loại bỏ. Ngay cả những lễ hội được dư luận lên tiếng rất nhiều trong thời gian gần đây như: Chém lợn, đâm trâu… cũng chỉ điều chỉnh bằng những thông báo, tuyên truyền”, luật sư Tuấn Anh cho hay.

“Theo tôi, trong câu chuyện xử phạt chủ nhà có cỗ để khách ăn cỗ lấy phần, huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định cần phải ngay lập tức rà soát lại, nếu có hành vi trên phải ngay lập tức ngăn chặn việc làm trái pháp luật của các UBND xã. Đồng thời cần phải làm rõ từ trước tới nay những tiền phạt ấy đi về đâu, hạch toán vào đâu để xử lý nghiêm những hành vi trái pháp luật” - Luật sư bày tỏ quan điểm.

Nguyễn Phượng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/phap-luat/phat-chu-nha-3-trieu-neu-de-khach-an-co-lay-phan-quy-dinh-khong-thuoc-he-thong-phap-luat-a268829.html