'Phạt cho tồn tại' và sự 'nghiêm túc' ở Yên Bái!?

Biệt phủ của nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái khiến dư luận xôn xao và Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Chính quyền tỉnh Yên Bái đã “nghiêm túc“ ra sao khi ra quyết định “phạt cho tồn tại” khu biệt phủ trên? Phạt để hợp thức hóa những sai phạm của ông Quý hay là động thái lái dư luận từ quan tâm tới sai phạm có dấu hiệu tham nhũng sang sai phạm hành chính?

Dư luận quan tâm gì tới biệt phủ?

Khi biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý xuất hiện, dư luận không hẳn chỉ xôn xao về sự hoành tráng của ngôi biệt phủ trên mảnh đất của một tỉnh miền núi nghèo mà hàng năm vẫn xin trợ cấp từ Chính phủ. Người ta ngạc nhiên về vợ chồng ông chủ biệt phủ này có nguồn tiền từ đâu để có được cơ ngơi khó có thể tưởng tượng nổi dù ông Quý có là Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh.

Càng ngạc nhiên hơn, ngạc nhiên đến buồn cười khi để có ngôi biệt phủ này, ông chủ của nó rất “thật thà tiết lộ” công khai trên báo chí là nguồn vốn có từ ngày trẻ đi nấu rượu, buôn chổi đót!!! Từ buồn cười đến phẫn nộ khi ông Quý tiếp tục “tiết lộ” rằng đã vay của ngân hàng 20 tỷ đồng! Lương ông Giám đốc sở là bao nhiêu và bà vợ buôn bán gì mà chỉ riêng chuyện trả lãi ngân hàng hàng tháng cũng là cả một sự khó hiểu.

Không còn là chuyện trái khoáy giữa ngôi biệt phủ hoành tráng trên mảnh đất mà trẻ em đi học chỉ mong “cơm có thịt”, có trường lớp không tạm bợ sơ sài mà ngôi biệt phủ như một bằng chứng của tham nhũng cần được làm rõ khi đất nước đang rừng rực ngọn lửa trong lò muốn đốt cháy mọi loại “củi” tham nhũng.

Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm gì quanh ngôi biệt phủ?

Sau những ngày thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan đến khu đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Tân Minh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Và sự nghi ngờ của dư luận về yếu tố tham nhũng đằng sau ngôi biệt phủ quả là có cơ sở.

Khu đất tọa lạc ngôi biệt phủ thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ, vợ của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái. Ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Yên Bái cho phép bà Hoàng Thị Huệ chuyển hơn 13.581m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Năm 2015, UBND thành phố Yên Bái cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở vượt hơn 3.854m2 đất so với kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Yên Bái đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cơ quan này còn cho phép bà Huệ chuyển mục đích sử dụng hơn 1.012m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở không có trong kế hoạch phê duyệt.

Chi cục Thuế thành phố Yên Bái không thông báo, không xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ là không thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. UBND thành phố Yên Bái cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ khi chưa xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ là không đúng với quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý thuế.

“Khoản chi phí đào, đắp mặt bằng trên 2 tỷ đồng đã giảm trừ cho bà Huệ khi xác định tiền thu sử dụng đất là thiếu căn cứ, cơ sở thực tế. Trách nhiệm chính thuộc về UBND thành phố Yên Bái, các cơ quan chức năng có liên quan thuộc UBND thành phố Yên Bái và có trách nhiệm của Sở Tài chính tỉnh Yên Bái”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra Chính phủ khẳng định, trên cương vị là Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên”.

Tuy nhiên, trên hồ sơ tài liệu thu thập được qua thanh tra và báo cáo giải trình của ông Phạm Sỹ Quý cho thấy, năm 2014 ông Quý đã không kê khai 1.200m2 đất ở, gần 60.000m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.

Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai trên 13.111m2 đất ở, gần 42.000m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.

Sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái vào năm 2016, ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai thiếu gần 4.900m2 đất ở, 27.500m2 đất nông nghiệp đứng tên bà Huệ; không kê khai tiền vay ngân hàng trên 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ, đã gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước cũng như sự minh bạch của đối tượng phải kê khai; vi phạm Chỉ thị 33/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

Sự “nghiêm túc” của lãnh đạo tỉnh Yên Bái!?

Chuyện dư luận quan tâm nhất là yếu tố tham nhũng trong “Vụ biệt phủ” với việc UBND thành phố Yên Bái cho phép bà Hoàng Thị Huệ là vợ ông Quý chuyển đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định. Cạnh đó là nguồn gốc tài sản để có được biệt phủ trên cũng như ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Thế nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái sau khi yêu cầu Sở Nội vụ tham mưu việc thành lập 2 hội đồng kỷ luật và tiến hành quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức lãnh đạo, quản lý của Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND thành phố Yên Bái đã yêu cầu UBND thành phố Yên Bái “xử lý nghiêm” theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm của gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) về hành vi xây dựng sai phép, không phép trên khu đất của gia đình. Thế là yếu tố tham nhũng hay không được làm mờ nhạt sau yếu tố vi phạm hành chính về việc xây dựng sai phép, không phép.

Dường như để lạc hướng dư luận hơn và hợp thức hóa tài sản bất minh của ông Quý và gia đình, cơ quan chức năng tỉnh đã xử phạt số tiền 507 triệu đồng do xây dựng trái phép và không phép tại khu “biệt phủ” của gia đình nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Phạm Sỹ Quý và phạt chậm nộp thuế hơn 51 triệu đồng và tất nhiên,... phạt cho tồn tại! 14 cá nhân liên quan vụ “biệt phủ” Yên Bái, cấp đất sai phép vi phạm pháp luật đều bị xử lý kỷ luật với hình thức kỷ luật... khiển trách về Đảng, khiển trách về mặt chính quyền.

Và những bí ẩn đầy nghi vấn về nguồn gốc tài sản để có ngôi biệt phủ được “phạt cho tồn tại” như tấm màn bao che, công nhận là hợp pháp như việc hợp thức hóa tài sản bất minh ngoài việc xử lý vi phạm hành chính!!!

Không ít vụ dư luân nghi ngờ như việc thăng tiến thần tốc của bà Quỳnh Anh ở Thanh Hóa hay ông Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam trẻ nhất nước cũng từng được cơ quan hữu quan trong tỉnh trước đây giải thích “đúng quy trình” đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phơi bày sự thật của cái “quy trình” đó và đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ liên quan. Nên chăng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng quan tâm đến vụ “Biệt phủ Yên Bái” để kéo lại niềm tin trong dân, làm trong sạch đội ngũ hoạt động trong bộ máy nhà nước?

Lưu Thủy

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/phat-cho-ton-tai-va-su-nghiem-tuc-o-yen-bai-n139798.html