Phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD ở tiệm vàng: Một điều luật phi lý

Bình luận về vụ anh thợ điện đổi 100 USD ở tiệm vàng bị xử phạt 90 triệu đồng, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đây là một điều luật phi lý. Trong khi đó, hàng loạt người dân vẫn 'bàng hoàng', không hiểu vì sao.

Đổi 2,3 triệu, bị phạt 90 triệu

Ngày 23/10, sau khi một số báo chí đăng tải về việc UBND TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng đối với một thợ điện vì vi phạm việc mua bán ngoại tệ, thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước đó, anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã ra tiệm vàng Thảo Lực (của công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực), có địa chỉ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để đổi 100 USD (do được người thân cho) lấy số tiền gần 2,3 triệu đồng.

Đổi tiền xong, anh Rê từ tiệm vàng bước ra thì bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vì vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được thu đổi ngoại tệ.

Quyết định xử phạt anh Rê do ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ký vào ngày 4/9/2018. Theo đó anh Rê bị phạt hành chính 90 triệu đồng và hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền gần 2,3 triệu đồng vừa đổi được.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý. Do đó, hành vi của anh Rê được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 - 100 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, nơi quản lý tiệm vàng Thảo Lực thực hiện hành vi đổi ngoại tệ cho anh Rê cũng bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; 70 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng với hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Hơn nữa, công ty này còn bị phạt bổ sung là tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương và 19.910 viên đá hột nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Chiều 23/10, trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Trương Quang Hoài Nam cho biết, anh Rê đã có hành vi vi phạm hành chính là: Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 124 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Theo ông Nam, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ được quy định tại Nghị định 96 chỉ có duy nhất một khung phạt là phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Vì vậy, UBND TP.Cần Thơ đã ra mức phạt 90 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của anh Rê theo đề nghị của Công an TP.Cần Thơ.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cho hay, anh Rê có thể làm đơn đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền (theo quy định tại Điều 76), đề nghị giảm, miễn tiền phạt (Điều 77) hoặc đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần (Điều 79) của luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đúng luật nhưng không sát thực tế

Vụ việc trên không chỉ ảnh hưởng tới hai đối tượng bị phạt mà còn khiến nhiều người dân khá hoang mang. Chị Thanh Thủy - nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Tôi không hiểu vì sao UBND TP.Cần Thơ lại có quyết định xử phạt nặng như vậy đối với người đổi tiền. Thực tế, tôi thường đi du lịch nước ngoài và luôn đổi tiền USD tại cửa hàng vàng, như vậy tôi có bị xử phạt hay không?".

Anh Thanh Lâm - người dân tại Nam Từ Liêm, Hà Nội tỏ ra lo lắng vì người nhà anh ở nước ngoài, thường gửi USD về cho gia đình. "Để sử dụng được tiền đó, tôi bắt buộc phải đổi từ USD thành VND. Có lần đổi ở ngân hàng với số lượng lớn, nhân viên ngân hàng truy hỏi nguồn gốc tiền ở đâu, phải chứng minh rất phức tạp nên việc đổi tiền ở cửa hàng vàng vừa tiện mà tỷ giá vẫn lợi hơn”, anh Lâm cho hay.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty Luật Basico nhận định, việc UBND TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt với mức phạt như trên là không sai.

Tại điểm a Khoản 3 Điều 24 Mục 7 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” quy định: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Theo luật sư Đức, pháp luật hiện hành quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Ngoài ra mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái luật.

Một số tuyến phố tại Hà Nội nổi tiếng với việc mua bán - trao đổi ngoại tệ. Ảnh minh họa.

Căn cứ theo Nghị định này thì dù mua bán trao đổi ngoại tệ dù ở đơn vị thấp nhất (ví dụ mua tờ 2 USD làm quà lưu niệm) tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng sẽ phải chịu mức phạt như trên.

Bình luận về điều này, ông Đức cho rằng đây là một điều luật phi lý, không sát thực tế. Bởi vì chỉ nên phạt tổ chức, họ kinh doanh thì phải có trách nhiệm nắm rõ quy định, còn người dân đôi khi chỉ đổi ngoại tệ giá trị nhỏ, vì mục đích cá nhân thì mức xử phạt như trên là quá nặng.

“Đó là chưa kể đa số các giao dịch ngoại tệ trên thị trường hiện nay được thực hiện ở “chợ đen”, đó là ở các tiệm vàng, phố ngoại tệ Hà Trung... Bởi vì giao dịch ở đó nhanh hơn, thuận tiện hơn, đôi khi giá và phí dịch vụ rẻ hơn ngân hàng. Bởi vậy mới nói luật không sát thực tế”- luật sư Đức nói.

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-90-trieu-dong-khi-doi-100-usd-o-tiem-vang-mot-dieu-luat-phi-ly-a408379.html