Pháp Vân-Cầu Giẽ mở rộng 8-10 làn: Chỉ rõ mâu thuẫn

Theo các chuyên gia, cần xem xét mục đích thật sự của nhà đầu tư, tránh tình trạng vin cớ kéo dài thời gian thu phí

Mới đây, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ đề xuất mở rộng quy mô tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ từ 6 làn hiện nay lên 8-10 làn xe theo hình thức BOT, do lo ngại tình trạng ùn tắc, quá tải trên tuyến đường này. Bình luận thêm, các ĐBQH và chuyên gia không hoàn toàn ủng hộ, đồng thời cho rằng nhà đầu tư đang vin lý do để kéo dài thời gian thu phí cho dự án.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từng dính nhiều lùm xùm trong thu phí. Ảnh: Nhà đầu tư

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từng dính nhiều lùm xùm trong thu phí. Ảnh: Nhà đầu tư

GS.TS Đặng Đình Đào - ĐH KTQD chỉ ra 3 vấn đề mâu thuẫn trong đề xuất trên.

Thứ nhất, lý do mở rộng đường vì quá tải, nguy cơ ách tắc là có thật, tuy nhiên, cần phải thanh tra, kiểm tra hoạt động thu phí tại trạm thu phí trên tuyến đường này.

Vị GS giải thích, năm 2016, nhà đầu tư dự án này đã bị tố gian dối, thu nhiều, nộp ít khi báo cáo số thu phí bình quân tại dự án này là 1,2 tỷ đồng/ngày và giảm vào dịp Tết. Tuy nhiên, sau kiểm tra, giám sát, số thu phí bình quân lên tới gần 2 tỷ đồng/ngày, cao hơn nhiều so với con số báo cáo.

Như vậy ở đây có hai vấn đề mâu thuẫn. Một là lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường này thật sự nhiều hay ít? Có quá tải hay không?

Hai là hoạt động thu phí chưa được giám sát chặt chẽ, có hiện tượng gian dối, gây thất thoát cho ngân sách và kéo dài thời gian đóng phí của người dân.

Nếu ở trường hợp thứ nhất, dự án cần thiết phải mở rộng do quá tải như nhà đầu tư báo cáo thì cần phải xem xét lại tổng thu thật sự, chính xác trên tuyến đường này hiện nay là bao nhiêu? Số tiền thực nộp về ngân sách như thế nào? Trên cơ sở đó phải xác định lại thời gian hoàn phí cho dự án. Nguồn thu càng lớn, thời gian thu phí càng ngắn.

Ở trường hợp thứ hai, nếu lưu lượng phương tiện chưa tới mức quá tải, dự án chưa cần thiết phải mở rộng thì cần xem xét mục đích thật sự của nhà đầu tư khi đưa ra đề xuất đầu tư thêm trên tuyến đường này.

"Phải chăng nhà đầu tư đang muốn bỏ thêm 5.000 tỷ nữa đầu tư mở rộng để tiếp tục kéo dài 10-20 năm thu phí nữa? Vừa rồi, chủ đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có báo cáo dự án sinh lời hơn 1.500 tỷ đồng trong 4 năm chính thức thu phí, thế nhưng khi nộp về ngân sách thì lại vin lý do sụt giảm lưu lượng, thu nhiều, nộp ít. Có phải đây là lý do mà nhà đầu tư không muốn nhả ra?", vị GS đặt dấu hỏi.

Thứ hai, chúng ta đã có chủ trương kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.

Như vậy, đề xuất của nhà đầu tư không những đã đi ngược với chỉ đạo mà còn có nguy cơ xung đột với lợi ích của người dân hiện tại nếu phải kéo dài thêm thời gian thu phí.

"Bản thân dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã có rất nhiều vấn đề không minh bạch ngay từ khâu thực hiện dự án.

Dự án hiện tại vừa thực hiện mới nhưng cũng được cải tạo trên nền đường cũ. Cụ thể tại đoạn Cầu Giẽ, nhà đầu tư chỉ cần cạp thêm hai bên đường rồi dựng trạm BOT, thu phí, gây nhiều bức xúc.

Nếu để nhà đầu tư đầu tư thêm 5.000 tỷ nữa trong khi dự án cũ có thời gian hoàn vốn là 17 năm 2 tháng, 18 ngày và tới nay đã thực hiện thu phí được hơn 5 năm, thì có phải người dân sẽ tiếp tục phải trả phí cho đoạn đường nâng cấp này trong thời gian dài sau khi trạm BOT hết thời gian thu phí không? Như vậy là quá bất cập, dễ nhập nhèm, cần phải xem xét thận trọng", vị GS phân tích.

Thứ ba, vị GS cho rằng, tình trạng ùn tắc tại dự án chỉ mang tính thời điểm, việc này hoàn toàn có thể xử lý được nếu thực hiện phân luồng thật tốt.

Trường hợp xảy ra những điểm tắc tại các nút thắt cổ chai, nhà nước nên đầu tư, nâng cấp, không nên để nhà đầu tư tư nhân sửa chữa, trải nhựa thêm rồi thu phí như đường mới. Nhà đầu tư muốn đầu tư BOT phải lựa chọn dự án mới.

Về giải pháp chung, vị chuyên gia cho rằng cùng với việc phát triển các dự án BOT đường bộ, cần phải có chủ trương đầu tư, nâng cấp cho các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy.

"Hiện nay đường sắt đang bị "ế" không có khách, hàng năm ngân sách phải bù lỗ hàng nhiều nghìn tỷ, rất lãng phí thì lại đổ dồn đầu tư dự án BOT đường bộ là không ổn.

Cần phải quay trở lại giải bài toán cho ngành đường sắt để giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và tiết kiệm cho ngân sách", GS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.

Làm rõ 4 vấn đề

Đồng quan điểm, ĐQBH Lê Công Nhường (Bình Định) cũng khẳng định làm rõ 4 vấn đề với dự án này.

Thứ nhất, nhà đâu tư tiếp tục quản lý, thu phí theo đúng hợp đồng thực hiện dự án đang thực hiện.

Chỉ thực hiện đầu tư mới hoặc thay đổi hợp đồng khi kết thúc thời gian thu phí với dự án cũ để tránh nhập nhèm, chồng chéo, kéo dài số năm thu phí khiến ngươi dân chịu thiệt.

Thứ hai, làm rõ năng lực của nhà thầu cũng như lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường nhằm làm rõ nguồn thu và là cơ sở xác định lại thời gian hoàn vốn cho dự án.

Trong trường hợp lưu lượng phương tiện đang bị quá tải, nguồn thu tăng lên thì số tiền nộp về ngân sách cũng sẽ phải cao hơn.

Thứ ba, sau khi xem xét toàn diện, chỉ đầu tư, mở rộng từng điểm ùn tắc, không đầu tư toàn dự án tránh nhập nhèm, lãng phí.

Thứ tư, tập trung đầu tư cho đường sắt, đường thủy, và đường hàng không, không để nguồn lực chỉ tập trung vào đường bộ.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/phap-van-cau-gie-mo-rong-8-10-lan-chi-ro-mau-thuan-3426285/