Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ cãi nhau vì Libya

Đại diện của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy cho rằng, Pháp phải chịu mọi trách nhiệm cho các vấn đề xảy ra ở Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Pháp về tình hình ở Libya. Đại diện của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nói rằng, trách nhiệm chính cho tất cả các vấn đề ở Libya thuộc về Pháp sau cuộc khủng hoảng xảy ra ở nước này năm 2011.

Pháp đã tích cực ủng hộ sự can thiệp quân sự và chính quân đội Pháp đã giáng đòn đầu tiên vào lãnh thổ Libya, đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch.

Cuộc xung đột ở Libya tiếp tục diễn ra căng thẳng.

Cuộc xung đột ở Libya tiếp tục diễn ra căng thẳng.

Sự can thiệp của liên minh quốc tế vào cuộc xung đột ở Libya đã dẫn đến sự lật đổ và ám sát người đứng đầu nhà nước Muammar Gaddafi. Kể từ thời điểm đó, tình hình ở Libya vẫn chưa được giải quyết và hiện tại quyền lực kép tồn tại ở nước này.

Ở phía tây Libya và thủ đô được kiểm soát bởi Chính phủ Hiệp định quốc gia (PNC) do Liên Hợp Quốc hỗ trợ dưới sự lãnh đạo của Fayez Saraj và ở phía đông được kiểm soát bởi Quân đội Quốc gia Libya (LNA), đứng đầu là nguyên soái Khalifa Haftar cùng với nội các tạm thời Abdullah Abdurrahman al-Thani và quốc hội.

Ông Aksoy cũng cho biết rằng, hiện nay Pháp tiếp tục hỗ trợ cho quân đội của ông Haftar để đổi lấy việc kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của Libya.

Tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ là phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm các thỏa thuận về Libya. Nhà lãnh đạo Pháp cho biết rằng, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không giữ lời và gửi tàu chiến cùng với dân quân Syria tới Libya.

Điều này mâu thuẫn trực tiếp với những gì Tổng thống Erdogan hứa sẽ làm trong hội nghị về các vấn đề Libya ở Berlin. Hội nghị này được tổ chức tại Berlin vào ngày 19/1 sau khi tình hình xung đột ở quốc gia này trở nên trầm trọng hơn. Và tình hình đã thay đổi sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các hoạt động quân sự ở Libya.

Vào tháng 11/2019, Ankara đã ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quân sự và về sự hiểu biết lẫn nhau trong các khu vực hàng hải với chính phủ của ông Saraj. Và vào đầu năm 2020, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc gửi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến hỗ trợ Libya.

Sự tham gia của Ankara vào cuộc xung đột Libya đã trở thành một trong những chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 8/1. Kết quả là các bên đã đồng ý về một thỏa thuận ngừng bắn ở Libya.

Năm ngày sau, tại Moscow một cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của ông Haftar và Saraj. Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng đã không được ký, nguyên soái Haftar đã từ chối ký văn bản.

Vào ngày 19/1, hội nghị về vấn đề Libya đã diễn ra Berlin đã đạt được một thỏa thuận đó là cấm bàn giao vũ khí cho Libya và cấm bên thứ ba can thiệp vào cuộc xung đột.

Tất cả những người tham gia hội nghị đều đồng ý với điều này, bao gồm cả Erdogan. Vì vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lực lượng quân đội tới Libya đã bị Macron buộc tội.

Những cáo buộc lẫn nhau giữa các bên tham gia cuộc xung đột Libya không phải là hiếm. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phàn nàn về việc Ai Cập, UAE và Pháp cung cấp vũ khí cho Libya.

Ngoài ra, Erdogan cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng LNA bằng các lực lượng của các công ty quân sự tư nhân.

Tình hình ở Libya ngày càng phức tạp bởi thực tế là trong hội nghị ở Berlin, việc rút quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Libya đã không được thảo luận.

Các thỏa thuận chỉ nhằm mục đích ngăn chặn việc gửi các lực lượng mới đến đất nước này và việc rút quân sẽ chỉ được thảo luận sau khi ngừng bắn hoàn toàn. Tuy nhiên, điều này gần như hoàn toàn không xảy ra.

Minh Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phap-va-tho-nhi-ky-cai-nhau-vi-libya-3396197/