Pháp ứng phó diễn biến khó lường của bệnh dịch

Sau một ngày có tỷ lệ nhiễm và tử vong ở mức báo động kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thống kê công bố tối 31-3 cho thấy, tình hình ở Pháp có chiều hướng nghiêm trọng hơn với 499 ca tử vong và 7.578 ca nhiễm mới được xác nhận. Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon đánh giá đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử y học của nước này.

Lực lượng lục quân Pháp được giao nhiệm vụ vận chuyển và lưu giữ khẩu trang y tế. (Ảnh: Lục quân Pháp)

Lực lượng lục quân Pháp được giao nhiệm vụ vận chuyển và lưu giữ khẩu trang y tế. (Ảnh: Lục quân Pháp)

NDĐT - Sau một ngày có tỷ lệ nhiễm và tử vong ở mức báo động kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thống kê công bố tối 31-3 cho thấy, tình hình ở Pháp có chiều hướng nghiêm trọng hơn với 499 ca tử vong và 7.578 ca nhiễm mới được xác nhận. Tổng Cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon đánh giá đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử y học của nước này.

Tổng số tử vong và nhiễm virus corona ở Pháp đã lên tới 52.128 và 3.523, tăng rất nhanh trong bốn ngày vừa qua. Hiện có 5.565 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, tăng 458 trường hợp sau 24 giờ, trong đó có 34% bệnh nhân cần trị tích cực ở độ tuổi dưới 60 và 60% ở độ tuổi từ 60-80. Có 68 bệnh nhân nặng từ 30 tuổi trở xuống. Với nỗ lực của các nhân viên y tế, có thêm 1.520 người đã khỏi bệnh và xuất viện kể từ ngày 30-3.

Dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại vùng Hauts-de-France ở phía bắc nước Pháp. Số người phải nhập viện tăng rất nhanh trong hai ngày qua và đã có 280 ca tử vong ở khu vực này.

Tính tới ngày 31-3, có 9.444 bệnh nhân mắc Covid-19 ở Pháp đã khỏi bệnh và được xuất viện. (Nguồn: Chính phủ Pháp)

Ông Jérôme Salomon cũng cho biết, ngày 1-4, hai tàu y tế cao tốc sẽ chuyển 36 bệnh nhân nặng từ Paris tới điều trị tại các bệnh viện ở phía Tây, nơi ít bị ảnh hưởng hơn, để đề phòng tình trạng quá tải trong mấy ngày tới ở khu vực thủ đô. Theo Cơ quan Y tế vùng thủ đô Ile-de-France, số bệnh nhân nặng đã lên tới 2.037 trường hợp, tăng 12% so với ngày 30-1 vì vậy nguy cơ quá tải ngày càng lớn. Bệnh nhân nặng ở phía đông Grand Est cũng tiếp tục được chuyển sang điều trị tại ba nước Luxembourg, Đức và Thụy Sĩ.

Cũng trong ngày 31-3, để giải quyết cấp bách tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, nhất là khẩu trang, Tổng thống Pháp đã quyết định đầu tư bốn tỷ euro để sản xuất kịp thời các loại thuốc chữa bệnh, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 trong những tháng tới. Các quyết định xử lý khủng hoảng bệnh dịch của Tổng thống và Thủ tướng Pháp trong mấy tuần vừa qua đã được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Theo kết quả thăm dò do Viện Ifop – Fiducial công bố ngày 31-3, uy tín của hai người đứng đầu nước Pháp tăng 13 và 7 điểm, tương đương mức đầu năm 2018.

Các nước châu Âu đang tích cực nghiên cứu thuốc chữa bệnh Covid-19 và vaccine. Tuy nhiên, ngày 31-3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng ít nhất một năm nữa, vaccine chống virus corona hiệu quả mới được phê duyệt và sản xuất đủ số lượng để tiêm phòng trên quy mô lớn. Hiện có hai loại vaccine đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, tờ Le Monde dẫn lời cảnh báo của Liên minh các Bệnh viện Đại học châu Âu có cơ sở ở Pháp, Italy và Anh về nguy cơ cạn kiệt thuốc thiết yếu trong 1-2 tuần tới nếu số bệnh nhân vẫn gia tăng cao. Mức độ sử dụng các loại thuốc giãn cơ, giảm đau và an thần hiện để điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện rất lớn và chưa có đủ nguồn bổ sung.

Liên quan việc sử dụng thuốc trị bệnh sốt rét có hoạt chất hydroxychloroquine, ngày 31-3, Giáo sư Didier Raoult - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Marseille chủ trương dùng thuốc trị sốt rét để điều trị bệnh nhân Covid-19, lên tiếng cảnh báo về việc tự sử dụng thuốc này vì có nguy cơ xảy ra phản ứng phụ nguy hiểm. Sau khi có khoảng 30 trường hợp gặp biến chứng trong đó có ba ca tử vong do tự ý dùng thuốc. Cơ quan Quản lý Dược phẩm quốc gia Pháp ra thông báo khẩn về việc sử dụng thuốc trị sốt rét. Theo đó, việc sử dụng thuốc này chỉ được áp dụng trong bệnh viện nếu điều kiện sức khỏe cho phép và không tự ý sử dụng hay chữa bệnh theo đơn của bác sĩ ở các phòng khám tư. Các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân của ba trường hợp tử vong, trong đó có giả thuyết về tác dụng phụ của thuốc trị sốt rét.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trong mấy ngày qua, các chuyên gia y tế Pháp cho rằng, diễn biến hiện nay cho thấy sự gia tăng về số người nhiễm và tử vong ở Pháp có dấu hiệu giống ở Italy hay Trung Quốc. Nếu như vậy, bệnh dịch mới bắt đầu nghiêm trọng, tức là "sóng đang dâng cao" và có nguy cơ dẫn đến tình trạng không còn chỗ tiếp nhận bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện.

Sau mấy tuần thực thi lệnh hạn chế di chuyển, các nước châu Âu đang cố gắng tăng cường quy mô xét nghiệm để hạn chế sự lây lan và xử lý kịp thời những trường hợp bị bệnh nặng. Chính phủ Đức đang xem xét thực hiện mục tiêu xét nghiệm ít nhất 200 nghìn trường hợp/ngày so với tỷ lệ hiện nay là hơn 300 nghìn xét nghiệm/tuần. Còn Pháp cũng cố gắng tăng tỷ lệ từ 20 nghìn vào cuối tuần này lên 30 nghìn xét nghiệm/ngày trong cuối tháng 4.

Số người tử vong ở Italy sau 24 giờ qua vẫn ở mức rất cao, 837 ca so với 812 trong ngày 30-3. Các cơ quan y tế Italy cho rằng, số tử vong vẫn gia tăng nhưng số người nhiễm mới được xác nhận giảm từng ngày. Như vậy, dịch bệnh có thể đã đạt đỉnh nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn, do đó vẫn phải duy trì lệnh phong tỏa. Thống kê ở Thụy Sĩ cũng vậy, số nhiễm mới giảm rất mạnh xuống còn 264 ca sau nhiều ngày ở mức cao.

Thống kê ở ba nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay do dịch Covid-19 gồm Italy, Tây Ban Nha và Pháp cho thấy sự gia tăng liên tục của số nhiễm và tử vong trong trong vài ngày liền có thể là dấu hiệu về "đỉnh dịch." Nếu đúng như vậy, tình hình sẽ có chiều hướng tích cực hơn rất nhiều sau một tuần nữa. Đà lây lan như vậy cũng xuất hiện ở Bỉ, Hà Lan hay Bồ Đào Nha khi số người nhiễm bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, sau nhiều ngày không có trường hợp bị bệnh nặng ở lứa tuổi dưới 20 ở châu Âu, hai ca tử vong 12 và 13 tuổi đã được xác nhận ở Bỉ và Hà Lan. Tuần trước, một bệnh nhân 16 tuổi ở Pháp đã tử vong do virus corona. Điều này cho thấy bệnh dịch ngày càng nguy hiểm đối với những người có sức khỏe tốt, không có bệnh lý.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43870402-phap-ung-pho-dien-bien-kho-luong-cua-benh-dich.html