Pháp tìm cách bảo vệ môi trường từ vấn đề khẩu trang y tế

Những hình ảnh, được một thợ lặn quay ngoài khơi thành phố Antibes (tỉnh Alpes-Maritimes miền Nam nước Pháp), một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải, được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook từ cuối tháng 5.

Khẩu trang đã sử dụng vất trên một đường phố ở Rennes, Pháp, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khẩu trang đã sử dụng vất trên một đường phố ở Rennes, Pháp, ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giữa những rặng san hô, tảo và đàn cá, khẩu trang y tế cùng găng tay cao su trải đầy dưới đáy biển. "Điều đó có nghĩa là mùa hè này mọi người bơi cùng COVID-19?", ông Laurent Lombard, người sáng lập hiệp hội Chiến dịch biển sạch, tỏ ra lo lắng.

Với hơn 2 tỷ khẩu trang y tế được Pháp đặt hàng nhằm chống lại đại dịch do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra, câu hỏi về vấn đề xử lý loại rác thải này khiến các nhà quản lý lúng túng. Theo quan sát của một số hiệp hội bảo vệ môi trường Pháp, số lượng rác thải này đã tăng nhanh chóng kể từ khi lệnh phong tỏa quốc gia được dỡ bỏ vào ngày 11/5, cùng với việc chính quyền khuyến khích người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Theo PV TTXVN tại Pháp, cho dù tại nước này, người dân rất có ý thức trong việc chống lại rác thải nhựa nói chung, sự nguy hiểm của khẩu trang dùng một lần dường chưa được hiểu rõ. Vì khẩu trang y tế trông giống như giấy, nên nhiều người nghĩ rằng nó có thể phân hủy sinh học, bà Flore Berlingen, Giám đốc tổ chức Zero Waste France, lưu ý.

Vậy mà khẩu trang y tế được làm từ polypropylen, một dẫn xuất dầu mỏ, được phân loại trong danh mục vật liệu nhiệt dẻo. Giống như tã giấy dùng một lần hoặc túi nhựa, chúng không thể phân hủy sinh học và rất ít được tái chế. Theo Hiệp hội giáo dục, thông tin và bảo vệ người tiêu dùng, loại nhựa này có thể mất tới 450 năm để tan rã trong tự nhiên.

Polypropylen là một trong những loại nhựa dẻo có khả năng chịu lực cao nhất, theo ông Henri Bourgeois-Costa, người phát ngôn của Quỹ Tara Oceán, chuyên nghiên cứu về hải dương học. Loại nhựa rất rắn này, được dùng để tạo ra một lớp mỏng trong khẩu trang, sẽ bị rã thành các mảnh siêu nhỏ lẫn vào chuỗi thức ăn trong đại dương, khiến động vật biển chết ngạt khi nuốt phải chúng. Thậm chí trong các đô thị, khẩu trang y tế "làm tắc nghẽn các đường ống nước thải và làm hỏng hệ thống xử lý nước", theo cảnh báo của Trung tâm thông tin nước.

Trong môi trường bệnh viện, rác thải này được đưa vào danh mục có nguy cơ lây nhiễm và phải tuân theo quy trình xử lý và đốt rất tốn kém, do chính các bệnh viện phải chi trả. Vậy nên kể từ khi đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát, khẩu trang và găng tay dành cho người dân nói chung đã không được xử lý đúng cách.

Một chiến dịch nâng cao nhận thức người dân về vấn đề này đã đươc Bộ Sinh thái và Môi trường bắt đầu triển khai. Hành động vứt bỏ khẩu trang trên đường có thể bị phạt tiền 68 euro nếu bị cảnh sát phát hiện. Vào cuối tháng 5, nghị sỹ Eric Pauget của tỉnh Alpes-Maritimes đã soạn thảo một dự luật nhằm xử phạt 300 euro đối với việc vứt găng tay và khẩu trang y tế không đúng quy định tại nơi công cộng.

Các hiệp hội đề xuất tăng cường nghiên cứu nhằm tìm cách tái chế loại rác thải này. Hiện nay một nhà máy tại miền Bắc nước Pháp đang thử nghiệm việc khử trùng và tái chế khẩu trang đã qua sử dụng. Từ ngày 4/3, một nhóm các nhà khoa học Pháp đã được thành lập với mục tiêu nghiên cứu cách loại bỏ virus tồn tại trên khẩu trang đã sử dụng. Nhiều phương pháp được thực hiện, bao gồm chiếu xạ gamma hoặc beta, hong khô trong nhiệt độ 70°C. Một ủy ban liên ngành cũng ra đời nhằm nghiên cứu khả năng ứng dụng những kỹ thuật hứa hẹn nhất. Trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài cho môi trường và sức khỏe, tổ chức phi chính phủ Zero Waste France khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang vải có thể giặt được nhiều lần.

Vũ Mai Linh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/phap-tim-cach-bao-ve-moi-truong-tu-van-de-khau-trang-y-te-20200610060101953.htm