Pháp tiếp tục khiến mặt trận chống Nga của phương Tây lung lay

- Châu Âu về lâu về dài cần nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi cuối tuần vừa rồi đã phát biểu như vậy đồng thời nói thêm rằng mặc dù ông không đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thì những biện pháp đó cũng chẳng làm thay đổi lập trường của Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Tổng thống Macron đã nói tại Hội nghị An ninh Munich rằng, một phương pháp tiếp cận “đáng tin” trong quan hệ với Nga sẽ là đi theo lập trường “chúng ta đang đòi hỏi, chúng ta sẽ không nhượng bộ trong các nguyên tắc của chúng ta về những cuộc xung đột lạnh nhưng sẽ nối lại tiến trình đối thoại chiến lược – một tiến trình mất nhiều thời gian”.

Nhà lãnh đạo Pháp thẳng thừng chỉ trích rằng, kết quả những năm gần đây cho thấy đó là “một hệ thống hoàn toàn không có hiệu quả”. Hệ thống đó bao gồm “các biện pháp trừng phạt không làm Nga thay đổi bất kỳ điều gì – tôi không đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, tôi chỉ đang nói về nó”, ông Macron cho hay.

Trong phát biểu thể hiện sự ủng hộ cho một phương pháp tiếp cận đối thoại nhiều hơn với Nga, Tổng thống Macron đã nhắc đến sự kiện khôi phục lại các cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine hồi cuối năm ngoái nhằm tìm hướng tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Macron cho rằng, “về lâu về dài, chúng ta cần phải hợp tác với Nga nhưng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Nga trong vai trò là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Nga không thể liên tục là một thành viên cản trở các bước tiến của Hội đồng này”.

Ông Macron cho rằng Nga sẽ tiếp tục đóng vai trò là một nhân tố gây bất ổn trong các vấn đề như trong các chiến dịch tranh cử ở nước khác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. “Tôi không tin vào những điều kỳ diệu – tôi tin vào chính trị, tin vào thực tế rằng con người sẽ thay đổi mọi thứ khi chúng ta tự cho mình những phương tiện”, ông Macron nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp tin rằng, hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Nga không có độ bền về mặt tài chính. Ông này cũng nói rằng liên minh giữa Nga và Trung Quốc “không bền vững” một phần bởi vì “tư tưởng bá chủ của Trung Quốc không phù hợp với niềm tự tôn, kiêu hãnh của Nga”. Điều đó, theo ông Macron, đồng nghĩa với việc cần có “một quan hệ đối tác Châu Âu”.

Những phát biểu trên của Tổng thống Pháp một lần nữa cho thấy ông này ủng hộ hướng đi khôi phục lại quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Nga thay vì đối đầu nóng bỏng như hiện giờ.

Vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã tạo ra một không khí không khác gì thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây. Phương Tây không chỉ tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà còn tiến hành tẩy chay Moscow trong các hoạt động chính trị, ngoại giao. Những bước đi của phương Tây chỉ khiến Nga thêm cứng rắn và đẩy cuộc khủng hoảng giữa Moscow và phương Tây thêm phần trầm trọng.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron gần đây đang có nhiều bước đi hòa dịu và cởi mở hơn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, thể hiện lập trường muốn hàn gắn quan hệ với Moscow. Tổng thống Pháp từng cảnh báo về “sai lầm chiến lược” nếu tiếp tục cô lập một quốc gia “có bản chất châu Âu sâu sắc” như Nga.

Mặc dù vậy, các nước thành viên của EU và NATO dường như chưa ủng hộ chính sách này của ông Macron. Sự khác biệt trong chính sách của Pháp có thể làm "vỡ" mặt trận đoàn kết mà phương Tây thiết lập ra nhằm chống lại Moscow.

Không thể đoán trước được liệu những nỗ lực của ông Macron có giúp Nga và phương Tây tháo gỡ mâu thuẫn và tiến lại gần nhau hay không. Tuy nhiên, tương lai không mấy sáng sủa bởi hiện tại, một số nước như Anh và Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà với việc nối lại quan hệ với Nga. Anh vẫn khăng khăng đổ lỗi cho Nga về việc thực hiện vụ đầu độc một cựu điệp viên hai mang trên đất Anh vì thế London không muốn nhượng bộ với Moscow. Trong khi đó, Mỹ tỏ ra hờ hững với nỗ lực của Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng nói với người đồng cấp Pháp Florence Parly rằng, “sẽ rất tuyệt nếu chúng ta có thể khiến Nga cư xử như một quốc gia bình thường hơn. Nhưng các bạn không thể bỏ qua những việc xảy ra trong nhiều năm qua khi Nga xâm lược Gruzia, sáp nhập Crimea và hiện giờ đang chiếm đóng một số phần của Ukraine đồng thời đe dọa các quốc gia Baltic”.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/202002/phap-tiep-tuc-khien-mat-tran-chong-nga-cua-phuong-tay-lung-lay-3f96a5d/