Pháp: Thay đổi lớn trong kỳ thi tú tài

Tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục Pháp tuyên bố sẽ thay đổi hình thức thi tú tài trong năm nay. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của Covid-19.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean - Michel Blanquer.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean - Michel Blanquer.

Đây là lần đầu tiên kỳ thi tú tài tại Pháp không diễn ra theo hình thức truyền thống, kể từ khi được giới thiệu vào năm 1808 dưới thời Napoleon Bonaparte. Trước đó, ngay cả những cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân vào tháng 5/1968 cũng không khiến kỳ thi bị gián đoạn.

Theo kế hoạch mới, học sinh sẽ được tính điểm trung bình trong mỗi môn học. Số điểm này có được từ các bài kiểm tra và bài tập về nhà trong suốt cả năm, từ đó làm điều kiện xét tuyển đại học.

"Đây là giải pháp đơn giản, an toàn và công bằng nhất trong thời điểm khó khăn này", Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết.

Kỳ thi tú tài hay còn gọi là thi tốt nghiệp THPT (Bac) được coi là một nghi thức truyền thống quan trọng tại Pháp, thu hút sự tham dự của đông đảo ứng viên mỗi năm. Được Napoleon giới thiệu vào năm 1808, kỳ thi tú tài đã trải qua nhiều thay đổi suốt những năm qua. Hiện tại, "Bac" bao gồm 3 chuyên mục khác nhau: Chuyên ngành, tập trung vào các ngành nghề như mộc; Công nghệ - tập trung vào khoa học máy tính; Tú tài tổng quát.

Phần lớn các ứng viên lựa chọn thi tú tài tổng quát. Với hình thức thi này, ứng cử viên phải chọn giữa ba môn: Văn học (L), Khoa học kinh tế và xã hội (ES), hoặc Khoa học và Toán học (S).

Trọng tâm của kỳ thi tú tài Pháp hằng năm là Triết học - bộ môn thường được coi là khó nhất. Các câu hỏi có thể là "Có thể thoát khỏi thời gian không?" hay "Liệu sẽ có ai hy sinh tự do khi nhận ra bổn phận của mình không?" và được thảo luận rộng rãi trên toàn quốc.

Do sự lây lan của dịch bệnh, các tổ chức giáo dục tại Pháp đã phải đóng cửa từ đầu tháng 3. Đây được coi là một phần trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn Covid-19. Các kỳ thi đại học ở một số quốc gia khác bao gồm cả Anh cũng bị hủy do đại dịch.

Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Blanquer phát biểu, nếu điều kiện cho phép, Pháp có thể tăng cường các lớp học vào tháng 6 để bù đắp thời gian học sinh bị trì hoãn. Ông Blanquer nhấn mạnh, sự tham dự vào lớp học bù của các học sinh sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc đỗ kỳ thi tú tài. Bộ Giáo dục công bố, tất cả các học sinh tại nước này đã nhận được đầy đủ số điểm trong các bài thi miệng và thực hành thuộc chứng chỉ rời khỏi trường.

Bằng tú tài của Pháp hay còn được gọi là "Bac", là một kỳ thi toàn quốc, dành cho những học sinh năm cuối THPT, sau khi hoàn thành lớp 11 và 12. Đây là cột mốc đánh dấu khi người học hoàn thành chương trình trung học và là bằng cấp bắt buộc đối với những người muốn tiếp tục theo học đại học.

Theo thống kê, có hơn 800.000 sinh viên tham dự kỳ thi tú tài mỗi năm. Trong đó, kỳ thi này thu hút sự tham dự của hơn 12.000 học sinh đến từ 250 trường được Pháp công nhận tại hơn 100 quốc gia. 13 trường trung học quốc tế của Pháp đang ở Mỹ - nơi tỷ lệ thí sinh đỗ tú tài Pháp ở mức trung bình từ 98% - 100%.

Từ năm 2021, kỳ thi tú tài Pháp sẽ kết hợp các đánh giá liên tục trong suốt quá trình học cùng với kỳ thi cuối cùng. Theo đó, trong năm lớp 11 và 12, học sinh làm các bài kiểm tra khác nhau dựa trên bài tập được thiết kế trên toàn quốc, tập trung vào Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ A và B, Văn hóa khoa học, Giáo dục thể chất và một môn học đặc biệt mà họ chọn. Những đánh giá trong các môn này đóng góp 30% vào số điểm cuối cùng.

Trong suốt hai năm cuối cấp, học sinh cũng thực hiện các bài kiểm tra khác nhau trong từng môn học bắt buộc. Những đánh giá này sẽ đóng góp 10% cho điểm số cuối cùng.

Theo France24; Frenchlanguage

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-thay-doi-lon-trong-ky-thi-tu-tai-1596685620260.html