Phấp phỏng thực phẩm học đường

Theo quy định, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ kiểm tra thực phẩm 3 bước, chế biến thực phẩm theo quy trình một chiều, trong đó có việc kiểm tra vệ sinh bát đĩa, dụng cụ ăn uống và lưu mẫu thức ăn. Nhưng với những vụ việc phát hiện thời gian qua dường như quy định này đã không được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Hướng dẫn học sinh mầm mon làm bánh.

Mới đây, thông tin về Trường Mầm non Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cung cấp bữa ăn cho học sinh không đảm bảo yêu cầu lại một lần nữa gióng lên lo ngại về chất lượng bữa ăn học đường hiện nay.

Những suất ăn tiềm ẩn bệnh tật

Một clip gần 30 phút đang xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh phụ huynh đột ngột kiểm tra bữa ăn tại Trường Mầm non Phú Mỹ. Khoảng 20 người tụ tập bàn tán xung quanh bữa ăn, bao gồm nồi canh, đĩa cá sốt, rau, và âu cơm lớn (được cho là khẩu phần ăn của một lớp). Trong đó, suất cơm được quay rõ có chỗ bị mốc xanh, cá rán sốt cà chủ yếu là đầu và đuôi, không có thịt, canh cải nấu thịt heo, tôm nhưng trong đó mỡ nhiều hơn thịt. Với 30.000 đồng/1 phần mà phụ huynh đóng theo quy định của trường, khẩu phần ăn này hoàn toàn không tương xứng.

Một số giáo viên trong trường cũng lên tiếng xác nhận đây là suất ăn của học sinh. Trước đó, từ phản ánh của con trẻ, một số phụ huynh cũng đã nhắn tin cho lãnh đạo trường phản ánh về chất lượng bữa ăn nhưng chưa nhận được sự trả lời thỏa đáng.

Đại diện Phòng Nội vụ thị xã Phú Mỹ ngay sau đó cũng thông tin, đoàn đã kịp thời làm việc đã kiểm tra và chứng kiến việc cơm tại một số lớp học có hạt màu xanh, cá chỉ có đầu và một khúc đuôi. Đoàn đã báo cáo vụ việc với lãnh đạo, đồng thời mời phòng y tế đến lấy mẫu cơm để kiểm tra. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên và duy nhất, những suất ăn học đường bị phát hiện là không đảm bảo chất lượng. Mới đây nhất, cũng có hơn 300 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã phải nhập viện sau bữa trưa tại trường với triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình khẳng định đây là vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do món ruốc gà trong bữa trưa.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh những vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm trong những suất ăn học đường. Điều đáng nói, lâu nay hầu như những phát hiện này đều xuất phát từ sự kiểm tra đột xuất của phụ huynh, không phải từ các cơ quan quản lý, các đoàn thanh kiểm tra... vẫn thường xuyên và định kỳ kiểm tra các trường. Phải chăng, các cơ quan chức năng vẫn đang buông lỏng công tác giám sát, kiểm tra chất lượng bữa ăn trường học? Hay các trường đã dùng thực phẩm thay thế để “qua mặt” đoàn kiểm tra?

Thiếu chế tài

Theo quy định, các trường có tổ chức bếp ăn bán trú phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ kiểm tra thực phẩm ba bước, chế biến thực phẩm theo quy trình một chiều, trong đó có việc kiểm tra vệ sinh bát đĩa, dụng cụ ăn uống và lưu mẫu thức ăn. Nhưng với những vụ việc được phát hiện, cho thấy quy định này đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ ở một số nơi.

Chỉ đến khi sự việc được phát hiện thì nhà trường mới hoàn thiện giấy tờ bổ sung để... đối phó cho có. Thậm chí, cả những nguyên vật liệu như gạo chưa nấu đang để trong khu vực nấu ăn của trường mầm non Phú Mỹ cũng bị... lặng lẽ đem đi khi các cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra...

Mặc dù theo Điều lệ trường học của cấp tiểu học, THCS và THPT; các trường học không có biên chế để thực hiện công việc này. Nhưng khi các trường đã đứng ra tổ chức cho học sinh ăn bán trú dù là để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, không phải là nhiệm vụ của trường được quy định tại các văn bản khác nhưng rõ ràng, đã nhận trách nhiệm thì phải thực hiện cho tốt. Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đã được thực hiện từ gần 10 năm nay. Bộ GDĐT và các Sở GDĐT đều có các văn bản quy định về tổ chức bức ăn học đường như thế nào, các món ăn ra sao. Nhưng chưa có một văn bản nào của ngành giáo dục quy định về việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm, chưa có chế tài cụ thể cho các mức độ, hành vi sai phạm liên quan, như bữa ăn thiếu dinh dưỡng, mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, để học sinh bị ngộ độc... Khi vụ việc được phát hiện, lãnh đạo nhà trường chỉ bị nhắc nhở, phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm. Như vậy, sao có tính răn đe để những nơi khác không vi phạm?

Cũng liên quan đến câu chuyện dinh dưỡng học đường, hiện chương trình sữa học đường đã, đang và sẽ triển khai ở một số địa phương với ý nghĩa tích cực là cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, thấp thỏm khi những thông tin về nơi này, nơi kia, hàng trăm trẻ em có biểu hiện ngộ độc do uống sữa. Một số chương trình do các cá nhân, tập thể tài trợ sữa cho trường học tặng học sinh sữa... hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng khiến niềm tin của một bộ phận xã hội bị lung lay.

Trong khi đó, theo PGS.TS Bùi Thị Nhung- Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 1.000 ngày đầu đời, còn gọi là 1.000 ngày vàng, là giai đoạn quan trọng trẻ có sự tăng trưởng rất nhanh về chiều cao. Nếu trẻ bị thấp còi ở giai đoạn này sẽ ảnh hưởng tới chiều cao khi trưởng thành. Cơ hội thứ 2 mà cũng giúp trẻ tăng trưởng vượt trội về chiều cao là giai đoạn tiền dậy thì. Muốn tận dụng được cơ hội này thì chế độ dinh dưỡng hợp lý từ tuổi mẫu giáo và tiểu học rất quan trọng. Trong đó, ngoài chế độ dinh dưỡng ở mỗi gia đình thì bữa ăn học đường đóng vai trò hết sức quan trọng. Với những suất ăn, những hộp sữa “có vấn đề” đã được phát hiện, làm sao cải thiện được tầm vóc người Việt?

Từ những vụ việc đơn lẻ được phát hiện, câu hỏi đặt ra là có cần một cuộc thanh kiểm tra toàn diện bên cạnh kiểm tra thường xuyên và đột xuất vẫn thực hiện về chất lượng bữa ăn học đường hiện nay?

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-toan-thuc-pham/phap-phong-thuc-pham-hoc-duong-tintuc419780