Phập phồng lo cháy khu phố

Các công ty sản xuất đồ gỗ, nệm mút, cơ sở phế liệu… ở Bình Dương liên tục bốc cháy. Điều đáng nói là những cơ sở này nằm giữa khu vực đông dân cư

Hiện trường vụ cháy Công ty Trí Gia (chuyên sản xuất đồ gỗ, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được ghi nhận vào ngày 5-10 là cảnh tan hoang, đổ nát. Tòa nhà 2 tầng rộng gần 1.000 m2 đổ sập do bị lửa nung suốt nhiều giờ. Hầu hết hàng hóa thành phẩm, chủ yếu là các tủ gỗ xuất khẩu, bị lửa thiêu rụi. Thiệt hại ước tính nhiều tỉ đồng.

Nơm nớp lo cháy lan

Trực tiếp có mặt và chỉ huy hơn 100 chiến sĩ dập lửa vào đêm 1-10, thượng tá Nguyễn Thanh Điệp (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, phụ trách mảng PCCC) cho biết sát vách Công ty Trí Gia có nhiều nhà trọ và nhà dân, vì vậy ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng con người, khoanh vùng không cho cháy lan.

Tiếp chuyện chúng tôi, người dân sống gần Công ty Trí Gia đến nay vẫn chưa hoàn hồn khi kể lại ngày xảy ra vụ việc. "Chiều hôm đó, hầu hết công nhân đã về nhà. Tự nhiên lửa bốc cháy trong công ty. Lúc sau ngọn lửa cao như núi, cháy hừng hực suốt cả đêm. Tôi khóc vì sợ lửa cháy lan qua nhà mình. Nhiều người khác thì ôm đồ đạc chạy. Lính cứu hỏa tới đưa chúng tôi ra khỏi nhà và ngăn không cho lửa táp qua những nhà lân cận. Đến 4 giờ sáng trời đổ mưa, lửa tắt rụi tôi mới yên tâm vô nhà ngủ" - bà Bảy sống gần Công ty Trí Gia kể.

Hiện trường đổ nát của Công ty Trí Gia sau vụ hỏa hoạn ngày 1-10

Hiện trường đổ nát của Công ty Trí Gia sau vụ hỏa hoạn ngày 1-10

Trước đó, tối 28-9, người dân khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An cũng một phen nháo nhào khi lửa bao trùm một nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông chuyên sản xuất nệm mút, bàn ghế gỗ. Do gặp đồ dễ cháy nên lửa lan sang nhà xưởng của một công ty khác và đe dọa nhiều phòng trọ gần đó. Rất may lính cứu hỏa đã khoanh vùng đám cháy kịp thời.

Không chỉ công ty sản xuất đồ gỗ, nệm mút mà ở Bình Dương còn có hàng loạt cơ sở kinh doanh phế liệu nằm len lỏi trong khu vực đông dân. Đã có hàng chục vụ cháy nổ cơ sở phế liệu xảy ra trong vài năm trở lại đây. Điển hình đầu năm 2018, một cơ sở phế liệu chứa nhiều gỗ tạp, bao bì ni-lông bốc cháy dữ dội tại một khu phố thuộc phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An. Lửa cháy lan, thiêu rụi 6 ki-ốt gần đó. Trong đó có ki-ốt là trung tâm dạy tiếng Anh. Thời điểm cháy hàng chục học sinh đang ngồi học, rất may các em được kịp thời di tản.

Cần quy hoạch khu riêng

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, cho biết thông thường các công ty gỗ được xây dựng trước, sau đó người dân mới mua đất cất nhà, phòng trọ kế bên để công nhân công ty thuê chứ không phải chính quyền cấp phép xây dựng công ty gỗ giữa khu vực đông dân.

"Tôi đang chỉ đạo phía PCCC kiểm tra lại hết các cơ sở gỗ, chỗ nào không bảo đảm an toàn PCCC thì phải xử lý, nếu cần thiết thì đình chỉ hoạt động. Về phòng trọ, muốn xây dựng phải bảo đảm khoảng cách an toàn với công ty. Riêng các cơ sở kinh doanh phế liệu, chúng tôi đang rà soát lại, cơ sở nào không phù hợp là cho ngưng ngay. Chúng tôi sẽ quy hoạch một khu chuyên kinh doanh phế liệu" - ông Tươi khẳng định.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sắp tới tỉnh Bình Dương có chủ trương hạn chế cấp phép xây dựng cơ sở sản xuất gỗ, giấy, sơn… nằm trong khu vực đông dân hay không, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nói: "Việc cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng. Công trình, dự án đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì sẽ cấp, trong đó có điều kiện về phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, PCCC...".

Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp nêu quan điểm: "Về lâu dài nên quy hoạch khu riêng, chẳng hạn khu vực nhà máy gỗ, hóa chất, phế liệu… Mục đích để cho cả khu đó đồng bộ, đầy đủ các tiêu chuẩn riêng về PCCC".

Cứ nghĩ cháy ở đâu, không cháy chỗ mình

Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh có hơn 33.000 doanh nghiệp (DN) trong nước, 3000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó có rất nhiều công ty sản xuất kinh doanh sản phẩm vật liệu dễ cháy như bao bì, giấy, hóa chất, sơn, gỗ…

Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp cho biết mỗi năm Cảnh sát PCCC Bình Dương tổ chức huấn luyện, tuyên truyền cho hàng loạt DN. Tuy nhiên, không ít DN vẫn lơ là, xem nhẹ công tác PCCC. "Quan trọng là người đứng đầu DN, nhiều người cứ nghĩ sẽ cháy ở đâu chứ không cháy ở chỗ mình nên chủ quan, đến khi cháy thì bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư mấy chục năm mất sạch" - thượng tá Điệp nói.

Thượng tá Điệp khuyến cáo DN phải chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị PCCC, không để xảy ra tình trạng quá tải đối với hệ thống điện, đặc biệt là tại những khu vực dễ cháy. Phải xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức trực để phát hiện, dập lửa kịp thời.

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/phap-phong-lo-chay-khu-pho-20181005204200701.htm