Pháp nổi bật ở Armenia-Azerbaijan: Đã thỏa thuận với Nga?

Pháp thành công đàm phán hợp tác quân sự với Armenia sau khi kết thúc điện đàm với Tổng thống Putin.

Mới đây, tờ ArmenPress cho biết, hôm 5/2, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Vagharshak Harutyunyan tiếp Đại sứ Pháp tại Armenia Jonathan Lacôte, cùng đi với Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Armenia Danny Pitt (cư trú tại Tbilisi).

Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Vagharshak Harutyunyan tiếp Đại sứ Pháp tại Armenia Jonathan Lacôte. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Vagharshak Harutyunyan tiếp Đại sứ Pháp tại Armenia Jonathan Lacôte. Ảnh: AP

Cuộc họp đề cập đến các vấn đề an ninh khu vực và hợp tác quốc phòng song phương. Đại sứ Pháp Lacôte nhấn mạnh rằng, trong và sau các hoạt động quân sự trong khu vực đều nằm trong sự lưu ý đặc biệt của giới lãnh đạo Pháp. Paris luôn bày tỏ lo ngại và nỗ lực nhằm ổn định tình hình tại khu vực.

Tại cuộc gặp này, Đại sứ Pháp cũng thông báo về một số chương trình hợp tác phát triển đa chiều đã được Bộ trưởng Quốc phòng Armenia chấp thuận.

Sau đó, hôm 7/2, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Armenia và Đại sứ Pháp mới đây đã tổ chức các cuộc đàm phán thành công về hợp tác quân sự giữa hai nước.

Trong khuôn khổ cuộc họp, một số thỏa thuận đã đạt được liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Yerevan của Paris, mà theo một số nhà phân tích, cho thấy ý định của Pháp - một thành viên NATO, nhằm làm suy yếu sự hiện diện hơn nữa của Nga ở Armenia.

Trong vòng một tháng tới, Pháp và Armenia dự định sẽ thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực, trong đó theo dự kiến, không loại trừ khả năng có sự xuất hiện của lực lượng gìn giữ hòa bình Pháp.

Ngoài ra, việc Paris cung cấp vũ khí cho nhu cầu của Yerevan cũng khá khả thi, nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của nước này trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có những hành động tiêu cực trong khu vực.

Sự góp mặt của lực lượng gìn giữ hòa bình Pháp sẽ gây chú ý, đặc biệt là khi nơi đây vẫn đang được triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Hiện nay quân đội Nga vẫn duy trì sự hiện diện của mình trên lãnh thổ Armenia, trong khi trước đó xuất hiện thông tin nói rằng, lực lượng vũ trang Nga chuẩn bị thành lập thêm một căn cứ quân sự ở miền Nam Armenia.

Điều này khiến nhiều câu hỏi đặt ra về sự giáp mặt giữa Nga và lực lượng của Pháp tại Armenia? Có quan điểm cho rằng, sự hợp tác giữa Pháp và Armenia như một lời thách thức gửi đến Nga, cho thấy vị thế địa chính trị ở khu vực đã thay đổi. Moscow không còn độc chiếm ảnh hưởng chính trị ở khu vực.

Song điều gây chú ý là trước cuộc đàm phán thành công của Pháp và Armenia một thời gian ngắn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm về tình hình ở khu vực này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi trực tuyến với các nội dung trong đó có việc ngừng bắn tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Trung Á Nagorno-Karabakh, nơi Nga đã làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn sau khi bùng phát xung đột gay gắt. Các nội dung khác được trao đổi còn liên quan đến các vấn đề quốc tế và đặc biệt là triển vọng cải thiện quan hệ giữa Nga và EU, kỳ vọng điều đó có thể dẫn tới việc gỡ bỏ trừng phạt Nga từ EU.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trò chuyện trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo không nêu chi tiết nhưng rõ ràng sẽ có ảnh hưởng đến tính quyết định về tình hình thực địa ở Armenia và thỏa thuận Pháp hỗ trợ quân sự cho vùng đất này.

Cần nhớ, Nga có ảnh hưởng mang tính quyết định trong khu vực xung đột này. Nga hiện có 2 căn cứ quân sự tại Armenia và vừa nhanh chóng điều thêm 2.000 lính nữa đến khu vực. Sự hợp tác quốc phòng giữa Pháp và Armenia mới chỉ là bước đầu cho thấy triển vọng về tầm ảnh hưởng của Pháp trong khu vực.

Không loại trừ khả năng điều này nằm trong tính toán của người Nga nhằm được hưởng lợi về khả năng gỡ bỏ trừng phạt của châu Âu và đổi lại bằng lợi ích địa chính trị trong khu vực mà Pháp đã it có tầm ảnh hưởng.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/phap-noi-bat-o-armenia-azerbaijan-da-thoa-thuan-voi-nga-3427380/