Pháp muốn thế chân Mỹ ở Trung Đông

Pháp đang nỗ lực thiết lập vị thế mới tại Vùng Vịnh khi phàn nàn Mỹ không đứng ra kiềm chế sự đe dọa của Iran đối với Saudi Arabia cũng như nhiều quốc gia khác. Không những vậy, Paris còn muốn đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực an ninh hàng hải trong bối cảnh ảnh hưởng của Washington tại khu vực ngày càng giảm sút.

Phát biểu tại Đối thoại Manama - diễn đàn về an ninh khu vực thường niên ở Bahrain hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (ảnh) đã chỉ trích việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Nhà lãnh đạo quốc phòng xứ gà trống Gaulois cũng “chê” chính quyền Obama vì không trừng phạt chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vốn bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Bà Parly nói rằng Paris cảm thấy thất vọng trước sự thiếu phản ứng của Washington đối với cuộc tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia hồi tháng 9 vừa qua, chỉ ít lâu sau vụ tấn công mà Washington tố do Tehran thực hiện nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman và vụ Iran tấn công máy bay không người lái (UAV) do thám của Mỹ, đồng thời tố Washington ngày càng rụt rè khi đối mặt với các mối đe dọa. Trong khi đó, bà Parly cho hay Pháp đã tăng cường nguồn lực cảnh báo sớm sẵn sàng bảo vệ Vùng Vịnh, bao gồm hệ thống radar tiên tiến và hàng chục nhân viên điều khiển nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình. Bà cũng tuyên bố Pháp sẽ tiếp tục “cuộc chiến không khoan nhượng” nhằm vào tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS)”.

Giới phân tích cho rằng phát biểu của Bộ trưởng Parly là điều không bình thường, bởi nó như một phát súng nhằm vào chính sách của Mỹ và là tín hiệu cho thấy Pháp ngày càng quan tâm, muốn có vai trò sâu sắc hơn tại Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cường quốc tranh thủ khai thác khoảng trống quyền lực tại khu vực. Thật ra, Pháp từ lâu đã có vị thế riêng tại Trung Đông khi Syria từng là thuộc địa của Pháp giai đoạn 1920-1943; giữ vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng năm 2011 ở Syria; có mối quan hệ mật thiết với Djibouti, nơi Pháp đặt căn cứ hải quân. Hiện Pháp có khoảng 240.000 công dân sinh sống tại Trung Đông và khoảng 2.800 binh sĩ đồn trú ở khu vực.

Sau hội nghị ở Bahrain, bà Parly hôm 25-11 đã đến Qatar để tiếp tục thảo luận tình hình an ninh tại khu vực. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Qatar Khalid Bin Mohammed Al-Attiyeh, bà Parly đã thảo luận một số vấn đề như phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước, căng thẳng ngày càng gia tăng tại Trung Đông nói chung và Vùng Vịnh nói riêng. Tại cuộc gặp, hai bên đã ký một thỏa thuận quân sự mang tính lịch sử, trong đó cho phép Pháp triển khai binh sĩ tới Qatar.

Quan hệ Pháp - Qatar trong vài năm qua ngày càng ấm lên, đặc biệt là sau chuyến thăm của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani đến Pháp hồi tháng 9-2017. Tháng 12-2017, Paris và Doha đã ký kết nhiều thỏa thuận quân sự và mua bán vũ khí trị giá lên tới 12 tỉ euro sau khi diễn ra nhiều cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm 24-11, Bộ trưởng Parly cho biết trụ sở cho một phái bộ do châu Âu đứng đầu để bảo vệ an ninh hàng hải Vùng Vịnh sẽ sớm được đặt tại căn cứ hải quân của Pháp tại Thủ đô Abu Dhabi. Pháp đã thúc đẩy một lựa chọn an ninh khác của châu Âu tại Eo biển Hormuz sau khi bác bỏ khả năng tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ các tàu chở dầu và tàu hàng khỏi những mối đe dọa do Iran gây ra trên tuyến đường hàng hải chiến lược này. Trong khi đó, UAE là nơi Pháp đặt căn cứ quân sự đầu tiên bên ngoài châu Phi vào năm 2009 và hiện có khoảng 700 quân nhân thường trực ở đây.

TRÍ VĂN (Theo Jpost, Middleeast Monitor)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phap-muon-the-chan-my-o-trung-dong-a115625.html