Pháp muốn giúp làm đường sắt cao tốc: Đừng mắc lỗi nữa

Nhà thầu làm tốt hay không là do chúng ta quản lý có tốt hay không...

Tốt nhưng...

Tập đoàn Engie (Pháp) vừa ngỏ ý muốn tìm kiếm cơ hội, hợp tác phát triển tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, bất cứ sự tham gia của nhà đầu tư nào cũng tốt cho Việt Nam nhưng, hiệu quả phải đi cùng với trình độ chuyên môn và năng lực quản lý.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều sai phạm. Ảnh: Nongnghiep

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhiều sai phạm. Ảnh: Nongnghiep

Vị PGS dẫn lại kết luận từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong đó chỉ ra hàng loạt những sai phạm, yếu kém trong công tác quản lý nguồn vốn ODA của Việt Nam.

Cụ thể là những sai phạm trong sử dụng nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật có liên quan kể từ khi triển khai dự án đến ngày 30/6/2018.

"Rõ ràng, đây là những lỗ hổng, kẽ hở trong quản lý đã tạo cơ hội cho nhà thầu làm bừa. Về mặt nguyên tắc, nhà thầu sẽ là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ Việt Nam về tiến độ và chất lượng của Dự án này nhưng chúng ta không xử lý được mà còn phải nhiều lần nhượng bộ chấp thuận tăng vốn theo yêu cầu của chủ đầu tư, đó là yếu kém của chúng ta", vị PGS nói rõ.

Trên cơ sở đó, vị PGS lưu ý, chúng ta đã có bài học đau đớn từ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Đối với các dự án sắp tới, muốn tìm kiếm nhà đầu tư nào thì cũng phải chứng minh được nhà đầu tư đó ưu việt hơn về mọi mặt, từ năng lực, trình độ kỹ thuật cho tới thái độ làm việc...

Chắc chắn không thể lựa chọn một nhà đầu tư mà lại để mắc lỗi như dự án Cát Linh - Hà Đông nữa.

"Tuy nhiên, tôi nói ngay, dù Việt Nam lựa chọn nguồn vốn vay của nước nào, sử dụng nhà đầu tư nào tham gia vào dự án, nếu muốn dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả thì trước tiên phải nhìn vào thái độ quản lý, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà thầu làm tốt hay không là do chúng ta quản lý có tốt hay không? Dự án có sai phạm, chậm tiến độ là do năng lực chuyên môn hạn chế, do có kẽ hở pháp lý, có tiêu cực, tham nhũng. Khắc phục được những lỗ hổng này, dự án nào cũng sẽ tốt.

Ngược lại, nếu không khắc phục được hạn chế trên thì dù là nhà thầu Pháp, Nhật, hay Mỹ cũng sẽ khó tránh khỏi tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không bảo đảm", PGS.TS Nguyễn Đình Thám thẳng thắn.

Vị chuyên gia tiếp tục lấy những ví dụ cụ thể tại các dự án Metro TP.HCM, đều sử dụng nguồn vốn ODA và nhà thầu của Nhật và liên tục gặp vấn đề đội vốn, chậm tiến độ.

Hay tại Hà Nội, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA xấp xỉ 9000 triệu euro (hơn 25.000 tỷ đồng) từ chính phủ Pháp được khởi công từ năm 2006 và được xác định đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành nhưng giờ phải xác định đến 2023 mới hoàn thành toàn tuyến.

Từ đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, năng lực, trách nhiệm quản lý của Việt Nam.

Nên đấu thầu quốc tế

Trở lại với đề xuất của phía tập đoàn Pháp, về mặt chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Đình Thám đánh giá cao năng lực trình độ kỹ thuật của nước này.

Khi so sánh về kỹ thuật làm đường sắt tốc độ cao của Pháp với Trung Quốc, vị chuyên gia đánh giá trình độ của nhà thầu Pháp hơn hẳn một bậc so với các nhà thầu Trung Quốc kể cả về kinh nghiệm cũng như trình độ kỹ thuật.

Tuy nhiên, đi cùng với yêu cầu kỹ thuật cũng như năng lực chuyên môn cao thì giá thực hiện các dự án đường sắt cao tốc do Pháp làm bao giờ cũng cao hơn hẳn so với các nhà thầu Trung Quốc thực hiện.

Chấp thuận lùi tiến độ Cát Linh-Hà Đông: Lại bị động...

Về mặt quản lý, dù đánh giá cao sự tham gia của nhà thầu Pháp, xong vị chuyên gia vẫn thiên về hướng tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu thay vì chỉ định nhà thầu của một nước nào đó.

"Chúng ta có thể đưa ra đầu bài để đặt hàng các nhà thầu quốc tế tham gia thiết kế, tổ chức thực hiện dự án này. Trong yêu cầu của đề bài, trách nhiệm của phía Việt Nam là phải nêu thật rõ ràng, chi tiết các mục tiêu, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với dự án.

Trên cơ sở đó, các nhà thầu sẽ tham gia thiết kế, tính toán tổng mức đầu tư, đề xuất công nghệ phù hợp để thực hiện dự án. Phương án của nhà thầu vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiến độ, có chi phí tiết kiệm... chúng ta sẽ lựa chọn.

Sau khi đã lựa chọn được nhà thầu, việc thực hiện thương thảo, ký kết các điều khoản thực hiện trong hợp đồng cũng phải được soạn thảo chi tiết, cụ thể, các điều khoản giàng buộc trách nhiệm phải bám sát các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, tránh trường hợp để rơi vào thế bị động, bị nhà thầu bắt bí như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa qua.

Tôi nhấn mạnh, bản chất của các nước muốn đầu tư là luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Vì thế, nếu có cơ hội để kiếm lợi, không nhà thầu nào muốn bỏ qua. Việc đấu thầu công khai để lựa chọn nhà thầu cũng là một giải pháp hạn chế tiêu cực.

Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với những người làm công tác quản lý yếu kém, thiếu trách để chấm dứt tình trạng bao che, móc nối, tạo điều kiện cho tiêu cực, sai phạm xảy ra", PGS Nguyễn Đình Thám chỉ rõ.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/phap-muon-giup-lam-duong-sat-cao-toc-dung-mac-loi-nua-3367923/