Pháp mở đường mới chặn sức mạnh Iran tại thượng đỉnh Trump-Macron

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/4 đã cam kết tìm kiếm các biện pháp mạnh mẽ hơn để kiềm chế Iran.

Theo Reuters, tuy nhiên, ông Trump không cam kết sẽ ở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đe dọa sẽ đáp trả Tehran nếu nước này khởi động lại chương trình hạt nhân của mình.

Iran – Mỹ leo thang khẩu chiến

Tại một cuộc họp báo với ông Macron, ông Trump tiếp tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới năm 2015 (Kế hoạch hành động toàn diện chung JCPOA) – điều Tổng thống Mỹ nói rằng không làm giảm ảnh hưởng đang gia tăng của Tehran ở Trung Đông hay chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Tổng thống Trump còn gọi thỏa thuận này là điên rồ, tồi tệ và vô lý. "Đây là một thỏa thuận với nền móng đã hỏng", ông Trump nói.

Và khi hạn chót là ngày 12/5 để ông Trump ra quyết định khôi phục trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran đang gần kề, ông Macron cho biết đã nói chuyện với Trump về một "thỏa thuận mới", trong đó Mỹ và châu Âu sẽ giải quyết những lo ngại nổi bật về Iran bên ngoài chương trình hạt nhân của nước này.

Châu Âu, đi đầu là Pháp và Đức đang có những nỗ lực thúc đẩy Mỹ ở lại thỏa thuận hạt nhận Iran 2015. (Nguồn: Reuters)

Ông Macron đang thông qua chuyến thăm ba ngày tới Mỹ như một nỗ lực để cứu vãn JCPOA- điều phương Tây coi là hy vọng tốt nhất ngăn cản Iran sở hữu bom hạt nhân và tiến tới một cuộc đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.

Theo đề xuất của Macron, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ nhất trí ngăn chặn bất kỳ hoạt động hạt nhân nào của Iran cho đến năm 2025 và xa hơn nữa, giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của nước này và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị có cả Iran tham gia về xung đột Yemen, Syria, cũng như tình hình về Iraq và Lebanon.

Chưa rõ liệu ông Macron có đạt được tiến bộ đáng kể trong những nỗ lực của mình để ngăn ông Trump rút khỏi JCPOA hay không.

"Điều quan trọng và mới mẻ sáng nay là Tổng thống Trump đã đồng ý với việc xem xét, cùng với Pháp, ý tưởng về một thỏa thuận mới nên được đề xuất và cách làm việc với người Iran", một quan chức Pháp cho biết.

Không rõ nội dung trên có ý nghĩa gì đối với số phận của JCPOA hay không và liệu các nước khác như Trung Quốc và Nga có đồng ý với bất kỳ biện pháp mới nào chống lại Iran hay không.

Một nguồn tin quen thuộc với cuộc tranh luận nội bộ tại Nhà Trắng cho biết, một lựa chọn đang được thảo luận là cho châu Âu thêm thời gian để củng cố các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân hiện tại với Iran.

Iran đã tuyên bố sẽ tăng cường chương trình hạt nhân nếu thỏa thuận JCPOA sụp đổ và một quan chức cấp cao của Iran ngày 24/4 cũng cho biết rằng Tehran có thể từ bỏ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nếu ông Trump rời khỏi JCPOA.

Đột phá quan hệ Trump – Macron

Hai ông Trump và ông Macron đã phát triển một mối quan hệ mạnh mẽ tại thời điểm khi nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang giữ một khoảng cách nhất định với Tổng thống Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã có những hành động thân thiết khi gặp gỡ tại Nhà Trắng.

Ông Macron hy vọng sẽ thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai bên không chỉ để giải quyết vấn đề Iran mà còn là miễn thuế sắt thép cho châu Âu và bảo vệ hiệp ước khí hậu Paris năm 2016.

Các cuộc đối thoại của họ cũng đề cập đến sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Syria -vài tuần sau khi Hoa Kỳ, Pháp và Anh tung ra các cuộc không kích nhằm đáp trả một cuộc tấn công vũ khí hóa học họ cho là do Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện.

Ông Trump trước đó từng tuyên bố muốn rút quân Mỹ khỏi Syria, tin rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo IS phần lớn đã bị đánh bại, nhưng ông Macron và các đồng minh khác cho rằng Mỹ nên ở lại để đảm bảo IS không trỗi dậy và ngăn chặn Iran củng cố chỗ đứng của mình ở đó.

Ông Macron kêu gọi Tổng thống Trump giữ lực lượng Mỹ tại Syria trong thời điểm hiện tại.

Ông Trump không hứa hẹn sẽ duy trì quân đội ở Syria nhưng nói rõ rằng lực lượng Mỹ sẽ không bị rút về ngay lập tức.

“Chúng tôi muốn về nhà. Chúng ta sẽ về nhà. Nhưng chúng tôi muốn để lại một dấu chân mạnh mẽ và lâu dài, ”ông Trump nói.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các yêu cầu của châu Âu về miễn giảm kế hoạch thuế quan 25% đối với sắt thép nhập khẩu vào Mỹ của ông Trump. Tổng thống Mỹ từng nói rằng Tr thâm hụt thương mại kinh niên với các đồng minh trên toàn thế giới là “không thể chấp nhận”.

Cũng trong ngày 24/4, ông Trump và bà Melania đã chủ trì một bữa ăn tối với ông Macron và phu nhân Brigitte tại buổi quốc yến đầu tiên của Trump kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2017. Sau chuyến thăm của ông Macron, Tổng thống Trump vào thứ 6 tới sẽ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Nhiều tinh hoa giới kinh doanh cũng xuất hiện cùng hai nhà lãnh đạo Pháp – Mỹ như, CEO Marillyn Hewson của Lockheed Martin, Fred Smith của FedEx và Ginni Rometty của IBM. Giới truyền thông Rupert Murdoch, một người bạn của ông Trump, cũng như các CEO Henry Kravis của KKR, David Rubenstein, David Rubenstein - đồng sáng lập Carlyle Group, và Stephen Schwarzman của Blackstone Group.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/phap-mo-duong-moi-chan-suc-manh-iran-tai-thuong-dinh-trumpmacron-333887.html