Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng yêu cầu của Công ước về phòng ngừa tham nhũng

Đối với những yêu cầu quy định tại Điều 5 của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước), pháp luật của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng và nguyên tắc của chế độ pháp quyền là nguyên tắc xuyên suốt, chi phối hệ thống pháp luật Việt Nam.

Các chính sách chống tham nhũng hiệu quả và đồng bộ đã được xây dựng, thực hiện và duy trì (Luật PCTN, Luật Phòng, chống rửa tiền, các văn bản dưới luật quy định chi tiết các biện pháp phòng ngừa tham nhũng…).

Việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, bảo đảm sự liêm khiết, tính minh bạch và trách nhiệm đều là những trụ cột quan trọng trong Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Cán bộ, công chức… Việt Nam cũng luôn nỗ lực tạo dựng và tăng cường những thực tiễn hữu hiệu nhằm mục đích phòng ngừa tham nhũng; Nỗ lực đánh giá định kỳ các công cụ pháp lý và biện pháp hành chính…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Công ước về xây dựng cơ quan PCTN

Việt Nam thực hiện mô hình nhiều cơ quan có chức năng PCTN, trong đó Thanh tra Chính phủ là đầu mối quản lý Nhà nước, có trách nhiệm trực tiếp thi hành nhiều chính sách phòng ngừa tham nhũng, theo dõi, giám sát việc thực hiện trên phạm vi cả nước, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, chức năng khác thực thi các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo chức năng của các bộ, ngành nhằm bảo đảm việc phối hợp thi hành có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Các cơ quan PCTN của Việt Nam được bảo đảm sự độc lập cần thiết trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Pháp luật có các quy định nghiêm cấm việc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN và việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì động cơ cá nhân được coi là hành vi tham nhũng (Điều 3 Luật PCTN).

Ngay cả cơ quan thanh tra Nhà nước, mặc dù phụ thuộc khá nhiều vào cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp nhưng vẫn được trao quyền độc lập tương đối để bảo đảm thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng chức năng của mình. Cơ chế đó đã giúp cho các cơ quan PCTN của Việt Nam có thể thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả và không chịu bất kỳ sự ảnh hưởng trái pháp luật nào.

Pháp luật Việt Nam đã bảo đảm nhiều yêu cầu của Công ước về sự tham gia của xã hội trong PCTN.

Các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, tổ chức đấu thầu mua sắm nhằm bảo đảm minh bạch, cạnh tranh và khách quan đều đã được thiết lập. Pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định để xử lý cụ thể, cả về dân sự, hành chính trong trường hợp sự minh bạch của sổ sách kế toán, chứng từ, báo cáo tài chính hoặc các tài liệu khác có liên quan không được đảm bảo.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công khai, minh bạch là yêu cầu trọng tâm trong quản lý hành chính công, kể cả về tổ chức, quá trình thực hiện và ra quyết định.

Vai trò của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công, như các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng đã được pháp luật Việt Nam quy định. Việt Nam cũng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp đề cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của xã hội trong PCTN.

Nhân dân được tham gia xây dựng pháp luật; được quyền tiếp cận thông tin; tham gia các chương trình giáo dục công chúng như giảng dạy về PCTN trong nhà trường và trường ĐH… Công dân Việt Nam có thể dễ dàng biết đến các cơ quan chức năng PCTN và có thể tiếp cận bằng nhiều hình thức như qua công tác tiếp công dân, đường dây nóng, hộp thư điện tử… để cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phap-luat-viet-nam-co-ban-dap-ung-yeu-cau-cua-cong-uoc-ve-phong-ngua-tham-nhung-195164.html